"Mỹ muốn được hỗ trợ bởi một khối NATO giàu sức mạnh để phòng trong trường hợp nước này đối đầu với Trung Quốc hay bất kỳ cường quốc nào khác trong tương lai gần"
Đây là lý giải của Chuẩn Đô đốc về hưu Thổ Nhĩ Kỳ Soner Polat với Sputnik về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đòi các thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng, đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.
Chuẩn Đô đốc Polat vốn là cựu Giám đốc Tình báo Hải quân, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài tại Bộ Tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, ngoài quân sự, với yêu cầu này, Mỹ cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ cả về chính trị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (khoanh tay) tại hội nghị NATO ở Bỉ ngày 25-5. Ảnh: AP
Ngoài cách giải thích này, còn có một lý do khác. Theo ông Polat, nếu ông Trump có thể hoạch định chiến lược hành động cho riêng mình thì đó sẽ là một chiến lược có chừng mực, chủ yếu tập trung vào các vấn đề đối nội.
Nhưng mong muốn này chưa thành do chính phủ Mỹ chưa thống nhất, ông Trump vẫn phải miễn cưỡng tuân thủ chính sách đối ngoại cũ. Và ông Trump tìm cách gây áp lực lên NATO như một biện pháp giảm bớt điều mà ông cho là thiệt thòi về đối ngoại.
Tại hội nghị NATO tuần trước, ông Trump chỉ trích các thành viên của khối không thực hiện đủ bổn phận đóng góp tài chính, nhắc lại yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP.
Ông Polat nhận định, với yêu cầu này, Mỹ muốn quay trở lại thời chiến tranh lạnh: “Ý của Mỹ là muốn tăng căng thẳng trong khu vực, đẩy NATO và Nga vào cảnh đối đầu. Điều này sẽ cho phép Mỹ củng cố vị trí của mình với châu Âu về ảnh hưởng địa chính trị và quân sự”.
Theo ông Polat, có lẽ vì nhận ra ý đồ này của Mỹ mà yêu cầu của Mỹ đã có tác dụng ngược. Một số nước trong đó có Đức và Pháp tỏ thái độ bất mãn với Mỹ. Trong khi đó một số nước như Hà Lan, Ba Lan thậm chí còn thu mình hơn.