Bạo lực học đường, đừng chỉ chăm chăm đổ hết trách nhiệm cho nhà trường, thầy cô

(PLO)- Liên tục trong thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường có dấu hiệu tiếp tục gia tăng. Nhiều vụ bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra khiến nhiều người quan tâm, lo lắng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thú thật, có những vụ bạo lực học đường sau đó được chính các em học sinh đứng hò hét, cổ vũ tung vedeo clip lên mạng xã hội mà nhiều người làm cha làm mẹ như tôi không dám xem hết clip. Hình ảnh các em nữ sinh trong bộ đồng phục học đường túm tóc bạn dẫm đạp chân vào người hay dùng nón bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu, vào người, vào chổ hiểm của bạn mình kiểu anh chị "giang hồ" khiến tôi thật sự rùng mình, kinh sợ.

Đã có nhiều ý kiến lên án cũng như phê phán và cho rằng nạn bạo lực học đường liên tục xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng xuất phát phần lớn từ nguyên nhân là do hiện nay chúng ta đang cố chạy theo phong trào, thành tích, khen thưởng trong việc giáo dục, học tập mà quên đi việc giáo dục, răn dạy học sinh điều làm người, sự tử tế, nhân văn một cách đúng nghĩa đối với các em học sinh các cấp. Chúng ta thật sự chưa quan tâm, chú trọng đến việc dạy nhân cách làm người, sự quan tâm, đối đãi tốt đối với bạn bè, với những hoàn cảnh xung quanh đối với các em học sinh các cấp.

Đúng là hiện nay có một thực trạng là tại nhiều trường lớp, một bộ phận thầy cô, người làm công tác giảng dạy chưa thực sự chú trọng, quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục nhân cách làm người cho các em học sinh; nhất là các học sinh ở cấp phổ thông cơ sở, bởi đây là lứa tuổi các em bắt đầu có sự thay đổi về nhận thức, thay đổi về tâm sinh lý, thậm chí đây còn là lứa tuổi bộc phát tính cách, thích thể hiện mình trước người khác.

bao luc hoc duong.jpg
Các em học sinh diễn tiểu phẩm chủ đề về bạo lực học đường. Ảnh: Trần Linh

Đâu đó trong môi trường giáo dục vẫn còn thiếu những bài học, bài giảng có tính giáo dục, có giá trị, là những bài học có tính nhân văn sâu sắc, sự tử tế với nhau đối với học sinh khi còn ngồi dưới mái trường. Thậm chí đâu đó trong một môi trường giáo dục, người làm công tác giáo dục, giảng dạy còn có những hành động phản giáo dục, phản cảm, tiêu cực khi có những hành động bạo lực đối với các em học sinh ngay trên bục giảng.

Nói như thế để thấy rằng, ngoài việc khen thưởng, thứ hạng và thành tích trong giáo dục, học tập là điều hiển nhiên thì việc giáo dục, răn dạy điều làm người trong môi trường học đường là vô cùng quang trọng.Bởi đây là việc làm góp một phần quan trọng hình thành nên tư cách, nhân cách của mỗi em học sinh về sau và sau khi trưởng thành.

Thế nhưng nói như vậy không có nghĩa nạn bạo lực học đường xảy ra là do nhà trường, do thầy cô còn chạy theo thứ hạng, thành tích, thiếu quan tâm, đã không và chưa làm tốt công tác giáo dục về đạo đức, nhân cách đối với các em học sinh các cấp.

Đúng là không thể đổ lỗi và chăm chăm quy hết trách nhiệm nạn bạo lực học đường cho nhà trường và thầy cô. Để giải quyết và kéo giảm nạn bạo lực học đường, để môi trường học đường ngày càng lành mạnh, tốt đẹp hơn, ngoài việc nhà trường, thầy cô phải làm tốt hơn nữa mục đích, công tác giáo dục còn rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là của gia đình, nơi là môi trường sống hàng ngày của các em học sinh.

Tôi đã từng chứng kiến và nghe một người mẹ trẻ quát mắng thậm tệ con mình, một đứa trẻ mới chỉ học lớp 3, lớp 4 là "đồ ngu", "khôn nhà dại chợ", ở nhà chỉ biết ăn hiếp, đánh em mình chứ ở trường bị bạn bắt bạt.

Tôi chỉ ao ước sao lúc đó người lớn, người mẹ trẻ nói với con là con có báo với cô giáo để cô nắm bắt sự việc xử lý bạn đánh con không hay mai mẹ sẽ gặp cô giáo để báo với cô kỷ luật bạn đó...

Sống trong một môi trường gia đình mà cha mẹ, ông bà và người lớn lúc nào cũng có tư tưởng, hành động bạo lực thì ít nhiều những đứa trẻ, là các em cũng sẽ sớm bị ảnh hưởng rất nhiều về tính cách, nhân cách. Việc các em thường xuyên có hành vi bạo lực với bạn bè, với người xung quanh để thể hiện tính cách, thậm chí để phòng vệ, để thể hiện "sức mạnh", hay "cá tính" cũng là điều dể hiểu....

Sự gắn bó, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và luôn có sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm giữa nhà trường và gia đình, chú trọng và quan tâm nhiều hơn nữa những bài học rèn luyện về nhân cách đạo đức làm người, những bài học hướng tới sự nhân văn, tử tế, những tiết học về tâm sinh lý, những bài học về kiềm chế cảm xúc; sự chung tay vào cuộc của những cấp ngành có liên quan ... sẽ kéo giảm đến mức thấp nhất nạn bạo lực học đường, giúp môi trường giáo dục lành mạnh, khơi trong và đẹp đẽ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm