Bảo mẫu đạp chết trẻ bị tuyên án 18 năm tù

Tòa nhận định: Nhờ khai nhận dù chưa từng học qua trường lớp đào tạo về chuyên môn giữ trẻ nhưng bị cáo vẫn nhận giữ nhiều trẻ em hằng ngày. Bị cáo cũng không có dành tình thương yêu cho trẻ lại còn dùng bạo lực đạp mạnh vào bụng, ngực trong khi cháu bé khóc nằm ở sàn nhà. Chỉ tới khi cháu bé đau đớn không cử động, trào thức ăn qua miệng lúc đó bị cáo mới sơ cấp cứu và nhờ người đưa đi bệnh viện.

Luật sư nói bị cáo có ảnh hưởng tâm thần từ người cha là không có cơ sở. Cũng theo tòa, kết luận giám định pháp y, thời điểm đưa bị cáo đi giám định (tháng 11- 2013) thì bị cáo từ khoảng 20 đến 23 tuổi là không chính xác, tòa sẽ áp dụng giấy khai sinh nên xác định thời  điểm bị cáo phạm tội vẫn ở tuổi vị thành niên.

Ngoài ra, lời khai của bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với người làm chứng, khám nghiệm hiện trường... Vì vậy tòa phạt bị cáo với mức án như trên.

Tại phiên tòa, bị cáo liên tục khóc lóc, tòa phải nhiều lần nhắc nhở bị cáo ngừng khóc: “Bị cáo đừng khóc nữa, người khóc phải là người khác chứ không phải bị cáo”. Ngoài ra bị cáo cũng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, do cháu Long khóc nên mới đưa cháu bé lên cao để hù dọa không ngờ lại trượt tay làm cháu bé rớt xuống sàn nhà. Nhưng bé lại tiếp tục khóc nên bị cáo mới đạp vào bụng và ngực cháu Long. “Cha mẹ bị cáo có đất ở dưới quê, bị cáo sẽ nói mẹ bán để bồi thường cho nạn nhân. Bị cáo thành thật xin lỗi gia đình cháu Long”- Nhờ quay xuống cúi đầu xin lỗi gia đình bị hại.

Những giọt nước mắt hối hận nhưng đã muộn màng của bị cáo 

Tại tòa, đại diện VKS cũng kiến nghị ngành giáo dục mần non cần phải có những quy định trong việc trông giữ trẻ, có biện pháp chế tài nếu vi phạm. Ở địa phương (Thủ Đức) tới thời điểm này đã có tới hai vụ án do người dân không được đào tạo chuyên môn về trông giữ trẻ phải đưa ra xét xử là rất đau lòng. Vì vậy, VKS kiến nghị các khu công nghiệp, nhà máy phải có chỗ trông giữ trẻ để công nhân an tâm làm việc.

Tham gia tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo thống nhất về tội danh với VKS. Luật sư yêu cầu tòa áp dụng biện pháp nhẹ nhất dành cho bị cáo. Cụ thể: do gia đình bị cáo quá nghèo nên bị cáo mới nhận lời trông con cho gia đình bị hại, cha của Nhờ bị tâm thần nên phần nào bị cáo cũng chịu ảnh hưởng. Vì thế khi nghe cháu Long khóc bị cáo mới ức chế về thần kinh dẫn đến hành động nông nổi...

NGÂN NGA- XUÂN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới