Báo Mỹ: Indonesia kêu gọi G20 né phát ngôn tiêu cực về Nga để có thể thông qua nghị quyết

(PLO)- Trang Politico (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo kêu gọi phương Tây giảm bớt các phát ngôn tiêu cực về Nga tại hội nghị thượng đỉnh G20 để hội nghị có thể thông qua nghị quyết cuối cùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trang Politico (Mỹ) ngày 13-11 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây giảm bớt các phát ngôn tiêu cực về Nga tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) ở đảo Bali, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Theo Politico, các quan chức Indonesia, bao gồm Tổng thống Widodo, đang thúc giục các đồng nghiệp phương Tây phải linh hoạt hơn và xem xét sử dụng những lời lẽ ít cứng rắn hơn đối với Moscow.

Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo. Ảnh: TASS

Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo. Ảnh: TASS

Theo các nguồn tin, giới chức Indonesia tin rằng điều này có thể giúp đảm bảo rằng đại diện Nga tại hội nghị thượng đỉnh G20 là Ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ đồng ý với nghị quyết cuối cùng của cuộc họp. Nguồn tin cũng cho biết thêm rằng nếu nghị quyết được thông qua, ông Widodo sẽ xem đó là thành công của cá nhân ông.

Politico lưu ý rằng Saudi Arabia, Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc không muốn lên án Nga trong tuyên bố cuối cùng.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Bali vào ngày 15 và 16-11. Trước đó, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không dự họp vì không thể thu xếp lịch trình cá nhân. Thay vào đó, Ngoại trưởng Lavrov là người dẫn đầu phái đoàn Nga đến Bali.

Trong một diễn biến khác, tại buổi công bố quỹ hỗ trợ đại dịch của Nhóm G20, Tổng thống Widodo cho biết số tiền quyên góp vẫn chưa đủ. Theo ông Widodo, quỹ này được dùng để giúp cải thiện khả năng của các nước trước những đại dịch tiềm tàng, theo hãng tin Reuters.

Quỹ này nhắm mục tiêu vào các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình để tài trợ các công tác chuẩn bị bao gồm như giám sát, nghiên cứu và được tiếp cận vaccine.

Cho đến nay, quỹ đã huy động được khoảng 1,4 tỉ USD, bao gồm các khoản đóng góp từ Indonesia, Mỹ và Liên minh châu Âu, cũng như từ các nhà tài trợ và các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill và Melinda Gates.

Quỹ này được tạo ra trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển cho biết họ khá chật vật trong công tác đối phó với đại dịch COVID-19, khi các nước giàu tích trữ vaccine và các vật tư y tế khác.

Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đóng vai trò là người ủy thác của quỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoản kinh phí hàng năm nhằm giúp các nước chuẩn bị sẵn sàng trước đại dịch đang thiếu hụt khoảng 10,5 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm