Đài NBC News ngày 20-9 dẫn các tài liệu rò rỉ từ Mạng lưới Chống Tội phạm Tài chính (FinCen) của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Triều Tiên có thể đã rửa tiền qua các ngân hàng Mỹ nhiều năm qua nhằm né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.
Các tài liệu tiết lộ Triều Tiên đã chuyển bất hợp pháp ít nhất 174 triệu USD qua các ngân hàng lớn của Mỹ bằng cách sử dụng các công ty vỏ bọc và sự giúp đỡ từ các công ty Trung Quốc.
Các giao dịch trên được thực hiện thông qua các ngân hàng Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase và Bank of New York Mellon từ năm 2008 đến năm 2017, giai đoạn Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Tài liệu nêu các dấu hiệu “đáng ngờ” của các giao dịch như tiền được chuyển từ các công ty không rõ chủ sở hữu có liên quan tới Triều Tiên hoặc một số khác được đăng ký tại các khu vực pháp lý rủi ro cao như Campuchia; các giao dịch đôi khi đến thành từng loạt, chỉ cách nhau vài ngày hoặc vài giờ. Số tiền được chuyển cũng rất chẵn và không có lý do thương mại rõ ràng.
Phía Triều Tiên hiện chưa đưa ra phản ứng trước thông tin này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: RODONG SINMUN / YONHAP
Các tài liệu rò rỉ chứa hàng nghìn “báo cáo hoạt động đáng ngờ” do các ngân hàng nộp cho Mạng lưới Chống Tội phạm Tài chính (FinCen) của Bộ Tài chính Mỹ.
Công ty truyền thông BuzzFeed (Mỹ) hồi năm 2019 đã tiếp cận các tài liệu này và chia sẻ với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và các hãng tin tức khác.
Tài liệu dẫn một báo cáo do JPMorgan Chase đệ trình lên Bộ Tài chính Mỹ cho biết ngân hàng này đã cho phép chuyển khoản 89,2 triệu USD liên quan đến các công ty và cá nhân được cho là có liên quan đến Triều Tiên giai đoạn 2011-2013. Các công ty này trước đó đều bị JPMorgan xếp vào diện "nghi vấn".
Trong một trường hợp, các tài liệu nêu chi tiết cách bà Ma Xiaohong và công ty Dandong Hongxiang Industrial Development do bà Ma làm giám đốc đã chuyển tiền qua Trung Quốc, Singapore, Campuchia, Mỹ và các nơi khác đến Triều Tiên. Theo đó, bà Ma đã sử dụng một loạt các công ty vỏ bọc để chuyển hàng chục triệu USD thông qua các ngân hàng Mỹ ở New York, bao gồm Bank of New York Mellon.
Ngân hàng Bank of New York Mellon đã cho phép tiến hành hàng chục giao dịch bất chấp tin tức truyền thông cho thấy bà Ma nói chuyện công khai về việc làm ăn với Triều Tiên.
"Những tài liệu các bạn có trước mặt, tôi nghĩ sẽ giúp giải thích tại sao Triều Tiên lại thành công trong việc trốn tránh lệnh trừng phạt" – ông Hugh Griffiths, cựu quan chức Liên Hợp Quốc chuyên theo dõi các lệnh trừng phạt Triều Tiên, trao đổi với NBC News.
Ông Eric Lorber - một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ - cho rằng tài liệu cho thấy những gì "giống như một cuộc tấn công có phối hợp của Triều Tiên nhắm vào hệ thống tài chính Mỹ trong một khoảng thời gian dài thông qua nhiều con đường khác nhau theo những cách khá tinh vi".