Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất ở các đảo, bãi đá mà nước này chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đã công bố hình ảnh đường băng máy bay được xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh được chụp ngày 9/10. Nguồn: Tân Hoa Xã.
Những báo cáo trước đó cũng đã cho thấy Trung Quốc đang gấp rút xây dựng căn cứ hải quân trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi được xây dựng xong, căn cứ này sẽ lớn gấp đôi căn cứ Diego Garcia của Mỹ trên Ấn Độ Dương.
Năm 2013, Trung Quốc cũng đã đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, chồng lần lên ADIZ của nhiều nước khác trong khu vực. Nếu Bắc Kinh có được một căn cứ không quân ở biển Đông, rất có thể kịch bản ADIZ như hồi năm 2013 sẽ được lặp lại.
Mặc dù vậy, theo Giáo sư Dmitry Evstafiev của Đại học St. Petersburg, Trung Quốc không dại gì khởi động xung đột quân sự cùng lúc ở cả hai khu vực (biển Hoa Đông và biển Đông).
Giáo sư Evstafiev nói: “Tôi không thấy có bất kỳ khả năng nào cho một cuộc xung đột quân sự ở quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc sẽ cố gắng tránh để xung đột quân sự xảy ra đồng thời trên cả hai mặt trận”.
Ông Evstafiev cũng cho rằng, có khả năng Mỹ sẽ hỗ trợ cho đối thủ của Trung Quốc nếu xảy ra xung đột ở biển Hoa Đông hay biển Đông. Dù giữa các bên tranh chấp vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng và bế tắc, nhưng theo ông Evstafiev, khó có khả năng chúng sẽ leo thang thành các xung đột vũ trang.