Phụ nữ thế giới (trong đó có Việt Nam) có ngày 8-3, còn ngày 20-10 dành riêng cho phụ nữ nước nhà. Trong hai ngày này, chị em phụ nữ nhận được nhiều lời chúc và quà tặng. Có lời chân tình tự đáy lòng, không giống ai. Có lời chúc lấy từ trên mạng, rồi nhân bản ra hàng trăm. Quà cũng vậy. Có quà nghĩa tình, quà nghĩa vụ, quà tranh thủ, quà gượng ép… Dù sao có là tốt, vẫn còn hơn không. Báo chí tràn ngập bài viết về phụ nữ, từ nhiều góc cạnh khác nhau và viết bao nhiêu cũng chưa đủ.
So với cánh mày râu, phụ nữ Việt Nam vẫn chưa có bình đẳng giới thật sự. Dẫu rằng về lý thuyết, phụ nữ Việt Nam là thống soái. Tiếng Việt không có giống đực, thứ gì cũng CÁI. Chỉ một ít được gọi là CON, đặc biệt là tất cả động vật, kể cả Con người. Đàn ông cũng được gọi là Con trai. 24 mẫu tự chính đều được gọi là chữ CÁI, không có chữ đực. Cái gì to, quan trọng đều gọi là cái tất.
Hơn bất cứ nước nào, hình ảnh phụ nữ Việt Nam luôn đậm đặc trong suốt chiều dài lịch sử. Phẩm chất của mẹ Thánh Gióng được truyền qua những bà mẹ anh hùng ngày nay. Thời kỳ dựng nước có công chúa Tiên Dung (vợ Chử Đồng Tử). Thời kỳ giành độc lập sau gần ngàn năm bị phương Bắc thống trị có chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Dương Thị Minh Ngọc (vợ Ngô Quyền), Dương Vân Nga (vợ Đinh Tiên Hoàng). Thời kỳ giữ nước và mở mang bờ cõi có Trần Thị Dung (mẹ vua Lý Chiêu Hoàng), Ỷ Lan (vợ vua Lý Thánh Tông), Huyền Trân Trần Thị Ngọc Bảo (con vua Trần Nhân Tông)… Danh nhân, liệt nữ thời kỳ nào cũng có và luôn sát sánh với đàn ông đánh giặc, giữ nước.
Những công việc nặng nhọc dù bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng như vào bếp, phụ việc nhà, chăm sóc con… vẫn là điều khó khăn, thậm chí không tưởng của rất nhiều nam giới. Khá đông phụ nữ cũng nghĩ đó là việc riêng, là “đặc quyền lao động" của họ. Mẹ tôi, ngoài 80, vẫn tỏ vẻ khó chịu khi con trai hết mình chia sẻ việc nhà với vợ. Bà cho rằng chuyện đó là của phụ nữ, đàn ông chỉ lo kiếm tiền và làm việc lớn. Ở cơ quan tôi, rất nhiều bạn trẻ, cả nam lẫn nữ đều nghĩ như vậy. Tôi cãi “Phụ nữ bây giờ cũng phải kiếm tiền, thậm chí giỏi hơn chồng là khác” nhưng vẫn không dễ gì xoay chuyển được thói quen. Có lỗi gì trong gia đình, người vợ thường chịu trách nhiệm nặng hơn và khó tha thứ hơn.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Tự thân nhiều chị em cũng nghĩ là phụ nữ thường kém hơn đàn ông. Đàn ông không muốn phụ nữ làm lãnh đạo đã đành, chính phụ nữ cũng không muốn điều đó. Cũng là lãnh đạo, phụ nữ thường phải cố gắng gấp đôi, gấp ba. Nhiều chuyện của phụ nữ, thay vì cảm thông và chia sẻ vì cùng giới, lại tọc mạch và phê phán, tự làm khổ lẫn nhau. Lịch sử nhân loại đã chứng minh gần như các vĩ nhân và thiên tài của nhân loại đều là đàn ông. Phụ nữ ít tham gia chuyện đại sự, làm việc lớn. Nghe vậy, có bạn nữ dí dỏm phản biện“Phụ nữ dành những việc lớn cho đàn ông, bởi họ phải tập trung vào việc quan trọng hơn. Đó là sản sinh ra các vĩ nhân và thiên tài của nhân loại!”.
Ở Việt Nam, dù là thế kỷ 21 nhưng báo, đài vẫn thường giới thiệu những điển hình phụ nữ 2 giỏi “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tôi cứ băn khoăn và không tài nào lý giải nổi bao nhiêu phụ nữ có thể làm được điều phi thường đó. Nghĩa là phải làm việc gấp đôi. Thời chiến tranh, đàn ông ra trận, phụ nữ phải choàng gánh, đành chịu. Hòa bình đã hơn 40 năm, nhiều phụ nữ vẫn phải chịu định kiến.
Tôi có mẹ, vợ, con gái và nhiều bạn bè nữ. Chưa thấy ai trong số họ có thể làm tốt cùng lúc hai nhiệm vụ nặng nề đó lâu dài. Chỉ có thể chọn một trong hai để làm tốt nếu không muốn mau già và chết sớm. Nếu đi làm, sau tám giờ cực nhọc, phụ nữ cũng rất cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Tôi biết đa phần chị em làm lãnh đạo, kể cả cán bộ làm công tác phụ nữ đều có ôsin. Vậy có nên khuyến khích những phụ nữ khác gồng mình 2 giỏi không?
Xin hãy trân trọng phụ nữ - “Những người đã sinh ra nhân loại và cho tình yêu” (Trịnh Công Sơn) từ những việc nhỏ, quanh năm chứ không chỉ vài ngày lễ. Nếu không có điều kiện thuê ôsin, dù là thuê giờ thì cánh mày râu từ nhỏ chí lớn phải chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Chính những việc nhà tưởng chừng là nhỏ nhặt càng làm cho đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn.
Xin chị em phụ nữ bình tâm, thay phong trào 2 giỏi bằng “Cả nhà cùng giỏi” mới đáng hoan nghênh. Xã hội Việt Nam có phụ nữ nhưng không có chính ông. Do vậy, cả hai phải luôn cùng đồng lòng bổ sung, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và làm đẹp cho đời.