Bão số 12 đã gây thiệt hại tại Phú Yên, Khánh Hòa

Gần trưa nay (10-11), vùng tâm bão số 12 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Lúc 10 giờ, cường độ ATNĐ ở cấp 6-7, giật cấp 9, ở ngay trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.


Bão số 12 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới 

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 22 giờ đêm nay, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao 3,0-5,0m. Trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng ven biển cấp 7, giật cấp 9. Các tỉnh Quảng Ngãi và Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7.

Trong ngày và đêm nay (10-11), các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, từ ngày mai mưa giảm nhanh. Từ nay đến ngày 12-11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm.

Cảnh báo các khu vực nguy cơ có lũ quét, sạt lở đất

Mưa lớn trong những giờ qua gây nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên trong sáu giờ tới.

Các khu vực có nguy cơ rất cao: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Tiên Phước, hiệp Đức, Nông Sơn (Quảng Nam).

Quảng Ngãi có các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Tây; Bình Định có các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Vân Canh, Phù Cát; Phú Yên có các huyện Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa nằm trong nguy cơ rất cao sạt lở đất, lũ quét.


Khu vực cảnh báo sạt lở, theo Viện Khoa học Địa chất khoáng sản

Nhiều khu vực của tỉnh Khánh Hoà cũng nằm trong danh sách nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gồm: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Nha Trang, Diên Khánh.

 

Lúc 11 giờ 30 phút, thông tin với PLO, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa), cho hay bão đã đánh chìm một tàu cá số hiệu KH- 91739 của ông Dương Thành Đồng khi đang neo đậu tránh bão tại cửa Bé.

Bão đã hư hỏng nhà thao trường Vĩnh Phương, cổng khu vực bến tàu du lịch Vĩnh Trường…


gió bão gây ngã cây ở Khánh Hòa

Một số khu vực ở TP Nha Trang đã bị mất điện.

Thông tin với PLO lúc 11g15 ngày 10-11, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa), cho hay TP Nha Trang vẫn đang có gió bão rất mạnh, mưa to.


Bão gây sập bảng quảng cáo ở Khánh Hòa. Ảnh: CTV

Mưa bão đã gây nhiều thiệt hại tại Nha Trang như hàng loạt cây xanh bị ngã đổ; nhiều bảng hiệu, trụ điện chiếu sáng bị bão quật đổ; nhiều ông trình ven biển bị hư hỏng… “Thông tin từ các xã ngoại thành Nha Trang báo về là gió mạnh, gây thiệt hại nhiều. Các xã này có nguy cơ bị ngập lụt do mưa lớn kéo dài”- ông Khánh nói.



Mưa bão gây đổ cây ở Khánh Hòa. Ảnh: CTV

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, bão đã gây mất điện toàn bộ khu vực huyện Vạn Ninh. Tại địa phương này đang có mưa rất to, nhiều vùng đã bị ngập lụt.

Sáng 10-11, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 12.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết đã có năm tỉnh ban hành lệnh cấm biển, gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Hai tỉnh trong trọng tâm ảnh hưởng của bão là Phú Yên, Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán 2.784 hộ/8.254 người (Phú Yên: 2.073 hộ/5.709, Khánh Hòa: 711 hộ/2.545 người).


Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai báo cáo về công tác triển khai ứng phó bão số 12. Ảnh: VGP

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ đội Biên phòng, cho biết đã tổ chức bắn pháo hoa tại 32 điểm theo quy định để thông báo cảnh báo bão. Về số tàu thuyền trên biển, hiện tất cả đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.

Đơn vị này cũng cho biết đã di dời 2.100 hộ/6.797 người ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Hiện vẫn tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên tuyến biên giới đất liền, các đồn trạm biên phòng để di dời kịp thời, đồng thời thông báo cho nhân dân các khu vực có nguy cơ bị sạt lở...

"Chúng tôi đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất tại các đồn biên phòng để sẵn sàng đưa dân đến tránh trú bão, đảm bảo an toàn. Hiện Bộ đội Biên phòng đã duy trì 4.521 cán bộ, chiến sĩ với 1.191 phương tiện trực 24/24 giờ để chủ động phối hợp địa phương sẵn sàng sơ tán, xử lý các tình huống xảy ra" - Thiếu tướng Lê Quang Đạo cho biết.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cũng cho biết đã huy động các lực lượng đóng quân trên địa bàn ảnh hưởng bão gồm hơn 251.000 người/16.000 phương tiện, bao gồm cả máy bay, trực thăng để sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TẤT ĐỊNH

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cho biết mưa lũ kéo dài ở miền Trung thời gian qua cùng với lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Ước tính, thiên tai vừa qua đã làm thiệt hại về tài sản lên đến 17.000 tỉ đồng.

Việc cơn bão số 12 sẽ gây mưa to đến rất to tại các tỉnh từ Quảng Trị - Khánh Hòa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đe dọa an toàn của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung “bốn tại chỗ” trong ứng phó, phòng chống thiên tai và cứu trợ nhân dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các lực lượng phối hợp với địa phương, tiếp tục rà soát lại để đảm bảo an toàn trên biển, kiểm tra rà soát các lồng bè nuôi trồng thủy sản xem có người dân nào còn nán lại, đặc biệt phải có biện pháp để quản lý các tàu khi đã vào nơi tránh trú vì bão số 13 sắp vào Biển Đông.

Trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kế hoạch sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm, những nơi nhà cửa không an toàn.

“Vừa rồi nếu không sơ tán tốt thì những nhà cấp 4 gây thương vong rất nhiều, vì chủ yếu mái ngói, những nhà có cửa kính lớn cũng có thể gây thương vong. Sơ tán người dân đến nơi an toàn không có nghĩa là cái nhà đó không đổ mà tường ngăn, cửa sổ, các yếu tố khác cũng phải đảm bảo an toàn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng tập trung bảo vệ an toàn hồ đập vì hồ đập có an toàn thì hạ du mới an toàn.

Nhấn mạnh vấn đề sạt lở đất hết sức nguy hiểm, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng phải cơ động nhanh nhất đến những nơi bị sạt lở.

“Lực lượng rất đông nhưng chỗ cần lại không có, vì vậy phải tập trung đến những nơi bị nạn nhanh nhất để bảo vệ tính mạng người dân. Tăng cường tính chuyên nghiệp của lực lượng cơ sở” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 12 đang nằm sát bờ biển các tỉnh từ Bình Định - Ninh Thuận.

Hiện ở Khánh Hòa đang có gió rất mạnh, mưa rất to, ở Sông Cầu (Phú Yên) đang có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. "Trong sáng nay gió mạnh nhất, bao trùm từ Phú Yên đến Khánh Hòa. Chiều nay khi bão đi sâu vào bên trong vẫn có thể có gió giật" - ông Khiêm nhấn mạnh.

Về mưa, do ảnh hưởng của bão nên 12 giờ qua các tỉnh Trung bộ có mưa rất to, tập trung ở ven biển với lượng mưa 100-200 mm, khu vực vùng núi 50-70 mm.

Ông cũng cho hay, sáng nay 12-11, Biển Đông sẽ có bão số 13, có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, gần giống cơn số 9.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết đã có 5 tỉnh ban hành lệnh cấm biển, gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Theo cơ quan chức năng, từ 19 giờ ngày 9-11 đến gần 10 giờ sáng nay, Phú Yên mưa rất to trên diện rộng, phổ biến từ 200 đền gần 300 mm. Huyện Tây Hòa lượng mưa cao nhất so với các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Sơn Hòa, thị xã Đông Hòa..


Mưa to kèm gió bão làm cây xanh bật gốc. Ảnh: TL

Quốc lộ 29 một số nơi tràn nước, cơ quan chức năng cắm cảnh báo và cử lực lượng canh gác không cho xe qua. Hàng chục địa phương cấp xã ở Phú Yên bị mất điện.

Trao đổi với PLO lúc 10 giờ ngày 10-11, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay bão số 12 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh này. Hiện ở Phú Yên gió vẫn còn mạnh, có mưa rất to trên diện rộng.

Trong đó, lượng mưa cao nhất là tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa với 283 mm, cao nhất trong các tỉnh khu vực Nam Trung bộ tính từ tối 9-11 đến sáng 10-11.

Nhiều vùng ở Phú Yên đã bị ngập cục bộ do mưa rất to kéo dài như các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, thị xã Đông Hòa, TP Tuy Hòa…




Mưa bão làm sạt lở, ngập nước một số tuyến đường: Ảnh: TL

Theo ông Trần Hữu Thế, dự báo khu vực tỉnh Phú Yên còn có mưa to đến rất to kéo dài nên nhiều vùng sẽ bị ngập sâu, một số khu vực có nguy cơ sạt lở đất.

“UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương triển khai phương án sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở đất ngay khi bão tan. Chính quyền các địa phương sẽ hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn” - ông Thế thông tin.

Báo cáo nhanh từ các địa phương ở Phú Yên bước đầu đã ghi nhận thiệt hại do bão số 12 gây ra. Bão đã làm sập hai căn nhà tại thị xã Sông Cầu, làm tốc mái, hư hỏng nhiều căn nhà ở thị xã Đông Hòa, các huyện Tuy An, Tây Hòa…

Báo cáo nhanh của Công ty Điện lực Phú Yên lúc 9 giờ ngày 10-11, cho biết đã có 45 xã, phường, thị trấn ở tỉnh này bị mất điện do bão; trong đó nhiều nhất là huyện Đồng Xuân, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa…

Ông Trần Hữu Thế cho biết thêm gió bão đã làm một xe tải đông lạnh 49C-238.70 bị lật nghiêng ven quốc lộ 1 đoạn thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa.

Thông tin ban đầu, tài xế xe tải này là Nguyễn Trần Huy Hoàng (ngụ phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) có biểu hiện bị gãy chân, đã được đưa đi cấp cứu.

Tại TP Nha Trang, ngay từ sáng sớm đã có gió bão mạnh kèm mưa lớn làm nhiều cây xanh ngã đổ, bật gốc.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, sáng 10-11, khu vực huyện Vạn Ninh có gió bão rất mạnh, mưa rất to. Nhiều khu vực ở huyện Vạn Ninh đã bị ngập lụt. Hiện năm xã của huyện Vạn Ninh đã bị mất điện.

Tại khu vực TP Nha Trang, các huyện Diên Khánh, Cam Lâm cũng đã ghi nhận gió bão đang đổ vào. Tại TP Nha Trang, ngay từ sáng sớm đã có gió bão mạnh kèm mưa lớn làm nhiều cây xanh ngã đổ, bật gốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới