Bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh

Bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh ảnh 1

Neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn tại Hà Tĩnh vào sáng nay 24.8 - Ảnh: Trương Hoa

Hà Tĩnh: Đưa gần 15.000 dân về nơi an toàn

Do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, Hà Tĩnh từ hôm qua đến chiều nay (24.8) có mưa rất to kèm theo gió mạnh. Ngay sáng sớm nay, Hà Tĩnh đã có cuộc di dân lớn, gần 15.000 người dân các huyện ven biển như: Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên được đưa chuyển về nơi an toàn trước khi cơn bão tràn vào.

Tại huyện Kỳ Anh, lực lượng dân quân địa phương kết hợp với bộ đội biên phòng đã đưa hơn 2.000 hộ dân đến vùng an toàn, nhất là các hộ ở gần bờ biển.

Theo ghi nhận của PV sáng nay, tại biển Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, có những cơn sóng quật cao gần 6m. Trong khi đó, mực nước tại các con sông ở huyện Vũ Quang, Nghi Xuân tăng dần, các cánh đồng lúa đã dần biến thành... sông, khả năng ngập úng nặng.

Hiện tượng lũ quét bắt đầu xuất hiện tại các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê. Ngay trong sáng nay, ban cán bộ phòng nông nghiệp các huyện này đã điều động mọi phương tiện đưa gần 2.500 dân đến nơi an toàn, nhất là những hộ dân nằm dưới chân núi, khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ quét cao.

Tại TP Hà Tĩnh, mưa lớn khiến các cung đường đẹp nhất TP như: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Xuân Diệu… chìm trong biển nước, các phương tiện đi lại bị cản trở, nhiều người dân đi đường do nước lớn kèm theo gió mạnh đã buộc phải dừng xe xuống dắt bộ.

Đến chiều nay, Hà Tĩnh có gần 4.000 tàu thuyền hoạt động trên biển. Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương vùng biển tiếp tục nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu để xử lý thông tin kịp thời khi cần thiết. Theo ghi nhận, lúc 12 giờ trưa nay, tại cảng biển Thạch Kim, Lộc Hà, số tàu thuyền còn lại đã được các ngư dân neo đậu an toàn. 

Trong sáng nay, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban xây dựng cơ bản, các nhà thầu xây dựng triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn cho công nhân lao động, công trình và phương tiện máy móc tại các công trình hồ đập xây dựng dang dở như hồ Thanh Niên, xã Tân Hương (huyện Đức Thọ), hồ Khe Cát (huyện Hương Sơn), các tuyến đang thi công như đê Lê Giang, đê Hội Thống… 

Theo ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh: những hồ đập, sông ngòi có nguy cơ bị vỡ sẽ được bố trí người trực 24/24 giờ. Hiện Hà Tĩnh đã thành lập 11 đoàn đến 12 huyện thị trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ. 

Bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh ảnh 2
Tàu thuyền tại Hà Tĩnh đã được neo đậu an toàn - Ảnh: Trương Hoa

Bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh ảnh 3
Nhiều hộ dân chằng, néo nhà cửa để đối phó cơn bão số 3 trong hoàn cảnh mưa lớn, gió mạnh - Ảnh: Trương Hoa

Bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh ảnh 4
Một số hộ dân tại TP Hà Tĩnh đã tập trung chằng nhà cửa tránh bão - Ảnh: Trương Hoa

Thanh Hóa: Cứu hộ kịp thời hai tàu cá bị lật

Tính đến 14 giờ ngày 24.8, tất cả tàu thuyền và lao động đi trên tàu đánh cá ngoài khơi của tỉnh Thanh Hóa đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện các địa phương, nhất là các huyện ven biển như Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn, Nga Sơn đang tập trung rà soát, triển khai các phương án phòng chống cơn bão số 3.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Trọng Quy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết: Hiện nay, các xã ven biển của huyện Tĩnh Gia đang tập trung sơ tán 1.923 hộ dân (với 8.889 nhân khẩu) cách mép nước khoảng 200 - 300m vào sâu trong đất liền để đảm bảo an toàn.

Đến thời điểm này 100% tàu thuyền của địa phương đã vào nơi trú ẩn an toàn. Trong đó có 2 tàu với công suất 75CV trong quá trình di chuyển từ cảng Nghi Sơn đến nơi trú ẩn do ngược sóng nên đã bị lật. Tuy nhiên địa phương đã kịp thời tổ chức cứu hộ đưa tàu và số lao động trên tàu vào bờ an toàn.

Hiện nay, ở các huyện ven biển của Thanh Hóa như: Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, hàng nghìn hộ dân sống sát bờ biển cũng đang được chuẩn bị để khi có tình huống, tỉnh sẽ phát lệnh sơ tán đồng loạt.

Quảng Trị: Tập trung cứu lúa hè - thu

Trong ngày 24.8, bão số 3 gây ra gió mạnh cấp 7, giật cấp 8 tại đảo Cồn Cỏ, tại TP Đông Hà có gió mạnh cấp 6. Do ảnh hưởng của bão trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa rất to trên diện rộng, lượng mưa đo được phổ biến từ 160 đến 220mm, mực nước các sông đã đạt và vượt mức báo động 1 (sông Bến Hải tại Gia Vòng vượt báo động 1 là 1,86m; sông Ô Lâu tại Hải Sơn vượt báo động 1 là 0,72m và tại xã Hải Tân đã xấp xỉ báo động 2...). Cộng với đợt mưa lũ từ ngày 19.8 đến 21.8 thì hiện nay trên toàn tỉnh Quảng Trị đang chịu một đợt “lũ kép”.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị thì vào đêm qua một trận lốc xoáy đã xảy ra tại thôn Linh Hải, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) làm cho 3 người bị thương và sập 1 nhà dân. Một trận lốc xoáy khác cũng đã xảy ra tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng làm cho 9 chiếc thuyền bị hư hỏng hoàn toàn. Tính trong toàn tỉnh đến nay có 19 nhà tốc mái, xiêu vẹo; 1 nhà văn hóa thôn bị hư hại nặng.

Về nông nghiệp, do mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp với triều dâng cao gây ngập úng nặng nề. Theo đó đã có tổng số 2.970 ha lúa bị ngập úng (1.700 ha tại huyện Hải Lăng; 550 ha ở Triệu Phong; 300 ha ở huyện Vĩnh Linh...). Diện tích hoa màu bị ngập, hư hỏng với tổng số 130 ha. Tại huyện Vĩnh Linh cũng đã có trên 30 ha cao su bị gãy đổ.

Về công trình thủy lợi, hệ thống đê bao vùng trũng Hải Lăng bị nước tràn qua trên tổng chiều dài 7.500m, đê cát Hải Dương bị vỡ 1 vị trí. Hệ thống Ngầm tràn A Vao- Tà Rụt (huyện Đakrông) bị sạt lở 7m. Giao thông nội đồng xói lở 1.300m3.

Sáng nay, PVđã đi vào huyện Hải Lăng, đây là huyện vùng trũng của Quảng Trị và người nông dân nơi đây đang cố gắng tìm mọi cách để cứu lúa vụ hè - thu. Mặc dù có hệ thống đê bao dài 50km nhưng nhiều ha lúa vụ hè - thu của toàn huyện đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tại xã Hải Thành, 230 ha lúa đang chín tới nhưng chỉ mới thu hoạch được 5%, trong buổi sáng nay nhiều người dân đã đội mưa để gặt chạy lũ. Còn tại xã Hải Trường, chính quyền địa phương đã huy động sức dân để đắp thêm đê từ đêm hôm qua. Ông Trương Tịnh, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Mỵ Trường (xã Hải Trường) cho biết: “Đêm qua, nước đổ về tràn qua đê, chúng tôi phải đội mưa ra đắp để không cho nước vào thêm phía nội đồng và tranh thủ thời gian để gặt gần 100 ha lúa còn lại...”. Cũng ngay trên tuyến đê này người dân đã kéo máy ra để tuốt lúa, cho vào bao và mang về nhà bảo quản.

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh, Phó ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh cho biết: “Hiện nay, điều cần làm nhất đối với địa phương là huy động mọi nguồn lực để tập trung cứu lúa, tránh cho người nông dân những thiệt hại nặng nề...”.

Bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh ảnh 5

Người dân xã Hải Thành (huyện Hải Lăng) kéo lúa về nhà

Bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh ảnh 6

Người dân thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường đã tổ chức gia cố đê từ đêm 23.8

Theo Trương Hoa - Ngọc Minh - Nguyễn Phúc (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm