Bão số 5 giảm cấp trước khi đổ bộ nhưng vẫn rất mạnh

Chiều nay (17-9), bão số 5 đã đi vào vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Tốc độ di chuyển của bão trong những giờ qua ổn định ở khoảng 15-20km/giờ. Một số dải mây phía tây của bão đã gây mưa vừa đến mưa to cho một số địa phương ở Trung bộ.

Tại buổi thông tin với báo chí chiều nay, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong sáng mai (18-9), bão số 5 còn có xu hướng mạnh lên thêm khoảng 1 cấp so với hiện tại, tức cấp 10-11, giật cấp 13, tốc độ di chuyển nhanh, khoảng hơn 20km/h.

"Tuy nhiên, khi đi vào gần bờ, bão có xu hướng giảm cường độ so với các bản tin dự báo trước đó" - ông Năng nói.

Vị trí và đường đi của bão số 5. Ảnh: NCHMF

Trong chiều và đêm nay (17-9), các địa phương nằm trong vùng trọng điểm bão ảnh hưởng bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ có mưa to.

Từ sáng mai (18-9), gió trên đất liền ở khu vực này sẽ mạnh dần lên cấp 7-8, đến trưa và đầu giờ chiều khi bão đi vào có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Các địa phương khác như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi mưa lớn, gió mạnh nhất có thể đạt được ở các khu vực này là cấp 6-7, giật cấp 9.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dù bão đã giảm cấp nhưng vẫn là cấp bão mạnh. Do đó, người dân vùng ven biển, nhất là các khu vực đầm phá, vùng trũng ven biển, cửa sông cần hết sức đề phòng khả năng gió mạnh, nước biển dâng và sóng lớn ảnh hưởng đến tàu, thuyền tại khu neo đậu trên biển, các khu nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời các nhà không kiên cố cần phải có các biện pháp gia cố để phòng chống cơn bão mạnh này.

Ngư dân Đà Nẵng đội mưa kéo thuyền thúng lên bờ. Ảnh: TẤN VIỆT

Đặc biệt, sóng lớn ven bờ cao 3-5m sẽ ảnh hưởng lớn đến các khu vực công trình đê biển và đê cửa sông đang thi công ở Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế. Mưa lớn từ đêm nay đến ngày 18-9, có khả năng gây ngập úng nhiều khu vực, thành phố ven biển Hà Tĩnh, Đồng Hới, Đông Hà, Huế.

Theo các chuyên gia khí tượng, khu vực bị ảnh hưởng từ Quảng Bình - Đà Nẵng trong lịch sử đã từng ghi nhận hai cơn bão năm 2006, 2009 khiến nước biển dâng hơn 1m, gây ngập lụt diện rộng, đặc biệt ở Thừa Thiên-Huế.

"Với cơn bão số 5 tuy không mạnh bằng nhưng phải đặc biệt lưu ý vì đây là khu vực trũng, ngập sông và không có hệ thống đê biển, hơn nữa bão đổ bộ trưa và chiều mai, cộng hưởng thủy triều sẽ làm cho nước biển dâng cao và sóng lớn, nguy cơ gây ngập lụt trên diện rộng"- ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh báo rủi ro thiên tai cảnh báo.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm biển.

Sáu tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đã có kế hoạch sơ tán gần 650.000 người dân. Hiện các tỉnh vẫn đang tiếp tục rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo tình hình thực tế của bão.

Tỉnh Quảng Bình đã cho học sinh nghỉ học từ chiều 17-9. Tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cho học sinh nghỉ học từ ngày 18-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới