Bất an vì tin đồn trên mạng

Thời gian gần đây, hàng loạt người chơi Facebook chia sẻ thông tin “cảnh giác nạn bắt cóc trên đường phố”. Thông tin này lan rất nhanh. Từ Hà Nội đến TP.HCM, từ miền núi Lâm Đồng đến đồng bằng tỉnh Long An… Tin bắt cóc khắp nơi được cập nhật trên mạng xã hội khiến nhiều phụ huynh lo lắng trước sự an nguy của con em mình. Có những bài viết trên Facebook “báo động” nạn bắt cóc nhận được vài chục ngàn lượt “like”.

Khiến cả xã hội bất an

Ngay cả khi Công an TP.HCM khẳng định không có nạn bắt cóc trẻ em như tin đồn, rất nhiều người vẫn chắc chắn rằng công an chỉ nói vậy cho người dân yên tâm, không có lửa làm sao có khói.

Anh Huỳnh Phước Sang, một người chơi Facebook nổi tiếng, đã phân tích những điểm vô lý về tin đồn bắt cóc. “Bắt cóc trẻ con để làm chi vậy? Để tống tiền hả, vậy sao không chọn con nhà giàu, đại gia để bắt. Chọn dân văn phòng bình dân này kia chuộc được bao nhiêu tiền? Bắt bán cho bọn buôn người lấy nội tạng? Vậy sao không lên rừng, lên mấy vùng sâu vùng xa, con nít họ thả đầy đó, cho mấy cục kẹo cả bầy theo luôn, mắc gì phải giật dọc giữa TP đông người?...”.

Mới đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện câu chuyện cậu bé bảy tuổi bị cha dượng đánh dã man ở tỉnh Vĩnh Long. Bức ảnh cậu bé với những lằn roi dã man khiến nhiều người bị sốc.

PV báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ với chủ Facebook và anh này vẫn xác nhận sự việc này là có thực. Anh cũng trả lời bình luận của nhiều người quan tâm, miêu tả cặn kẽ sự việc xảy ra: “Mẹ đứa bé đi bán hàng rong... trái cây. Đứa bé đi bán vé số bị mất tiền nên bị cha dượng đánh”… Hàng loạt trang báo mạng đưa tin về vụ việc.

Công an TP Vĩnh Long cũng đã đi tìm gặp người dân để tìm hiểu vụ việc nêu trên, xác định đây là “tin vịt”.

Tuy nhiên, qua tra cứu, chúng tôi phát hiện đây chỉ là hình ảnh copy từ một trang mạng của Thái Lan. Vì vậy sự việc gây hoang mang nhưng không ai tìm được một nhân chứng nào.

Những trang mạng thời gian gần đây đăng tải những tin đồn thất thiệt gây náo loạn xã hội. Ảnh: TL

Bất chấp hậu quả

Trước đó, tin đồn về nữ quái Hương “mắt lồi” hoạt động chính trên khu vực quận 10 và quận 5 xuất phát từ những năm 2005-2010 và đột nhiên trỗi dậy vào năm 2015. Thông tin cho thấy Hương “mắt lồi” có khả năng phân thân khi xuất hiện tại nhiều khu vực trong cùng một lúc.

Sau đó, nhiều trang mạng xã hội đăng tải ảnh chụp lại cảnh một nam một nữ chở nhau trên xe và cho rằng đó là nữ quái được nói đến ở trên đang đi cùng đồng bọn để dụ dỗ các em học sinh. Sáng hôm sau, chủ nhân của chiếc xe trong ảnh đã lên tiếng đính chính thông tin. Anh cho biết đó chỉ là hai nhân viên ở quán mượn xe đi phát tờ rơi cho các em học sinh của Trường THCS Phan Bội Châu. Vì tin đồn vô căn cứ trên mà anh không dám dùng chiếc xe này để đi lại vì sợ bị đánh.

Giữa năm 2015, dân mạng dậy sóng vì cô gái trẻ tên TBT chia sẻ câu chuyện ly kỳ như trong phim: Một người cha là tử tù đã bỏ đứa con gái bé bỏng trước cửa nhà T. với một ít tiền. Sau đó, “người tử tù” này đã viết thư nhờ T. chăm sóc bé vì anh ta sắp phải thi hành án tử. Bức thư lâm ly bi đát đã làm thổn thức hàng trăm ngàn người.

T. đã đăng bức thư đó lên Facebook và nhận đứa trẻ làm con nuôi. T. có thêm hàng chục ngàn lượt theo dõi. T. nhanh chóng nổi tiếng trên Facebook và được lên rất nhiều báo. Tuy nhiên, đến khi PV Pháp Luật TP.HCM gặp T. để tìm hiểu nhiều nghi vấn về thân phận “người cha tử tù” thì kết quả là không có đứa trẻ nào bị bỏ rơi, đứa trẻ đó là cháu ruột của T.

Trước đó, T. cũng khiến cộng đồng mạng hoang mang khi chia sẻ câu chuyện chứng kiến có người bị chặn cướp nội tạng, may mà nạn nhân may mắn thoát được.

Cứ như thế, các vụ án rùng rợn trên mạng nhưng không có hồ sơ trong công an hiện nay đang trở thành công thức câu view cực kỳ hiệu quả.

Hệ quả lớn khi bịa đặt thông tin trên mạng

Hành vi phát tán, bịa đặt thông tin trên mạng không chỉ là trò đùa vô văn hóa mà còn vi phạm pháp luật. Hệ quả pháp lý là gây xôn xao dư luận xã hội theo chiều hướng xấu. Nó làm mất uy tín và hình ảnh của cơ quan quản lý nhà nước trong mắt nhân dân. Việc này còn làm mất nhiều công sức của cơ quan chức năng trong việc thẩm tra xác minh về độ chính xác của thông tin. Bởi khi một thông tin nào đó gây phẫn nộ cộng đồng mạng và xã hội thì trách nhiệm của họ là phải xác minh làm rõ.

Người vi phạm nếu là tổ chức thì sẽ bị phạt theo Điều 64 Nghị định 174/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện) để xử phạt. Theo đó, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hoặc cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước.

Đối với cá nhân vi phạm thì mức xử phạt bằng 1/2 mức tiền xử phạt đối với tổ chức.

LS PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

T.TÙNG ghi

Đã xử phạt một số vụ

Tháng 3-2016, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với Nguyễn Đức Thành (24 tuổi, trú phường Hải Đình, TP Đồng Hới, Quảng Bình) vì tung tin thất thiệt trên Facebook.

Đầu tháng 1-2016, Thành đã dùng tài khoản Facebook cá nhân của mình là Thành Nguyễn đăng nội dung: “Ai ăn cá bè xước thì ăn luôn Trung Quốc bỏ thuốc độc”. Cùng với thông tin này Thành còn đưa thêm chín hình ảnh ngư dân đánh bắt cá trên biển để minh họa. Thông tin trên làm nhiều người dân lo lắng, có người còn không dám mua loại cá này về ăn dù đang là mùa ngư dân đi biển đã trúng đậm cá bè xước…

 Cũng trong tháng 3 vừa qua, chủ tài khoản Facebook “Tùng Lò Gạch” đã bị xử phạt 12,5 triệu đồng vì hành vi đăng tải “tin vịt” bắt cóc trẻ em tại khu vực gần một trường mầm non ở TP Thái Nguyên để lấy nội tạng với gần 3.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội này. Các trinh sát hình sự vào cuộc, xác định trên địa bàn Thái Nguyên chưa phát hiện trường hợp nào bị bắt cóc, lấy nội tạng như nội dung Tùng đưa. Làm việc với cảnh sát, Tùng thừa nhận thu thập thông tin qua tin đồn. Anh ta không có thông tin và chưa phát hiện trường hợp cụ thể nào như nội dung phản ánh.

-----------------------------------------

• Tôi thiết tha yêu cầu cơ quan chức năng truy tìm kẻ nào tung tin giả, sau đó phạt thật nặng cho chừa cái tội đăng tin đồn nhảm để làm gương cho những kẻ sau không dám đăng tin thất thiệt nữa.

Chị Mai Hoàng Hoa, TP.HCM

• Khi đọc các thông tin thất thiệt trên mạng, tôi không dám lên kế hoạch cho con cái về thăm quê. Nhưng sau khi biết đó là tin bịa, tôi thấy nhẹ nhõm. Không lẽ xã hội bây giờ loạn như vậy?

Anh Nguyễn Văn Khánh, Việt kiều Mỹ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm