Theo kết quả điều tra được công bố năm 2010 của cơ quan chức năng, ở sân bay Biên Hòa ngoài đất bị nhiễm độc, nhiều ao hồ và vùng phụ cận cũng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin cao nhất thế giới. Chất dioxin có thể thâm nhập vào động vật thủy sinh và nhiều chuỗi thực phẩm khác. Các loài cá nuôi, thực phẩm có nguồn gốc sinh sản từ khu vực này đều bị ô nhiễm nặng…
Chính vì vậy, cơ quan chức năng đã dựng bảng cảnh báo ở đây là: “Nguy hiểm: Hồ nhiễm chất độc da cam/dioxin, ăn bất cứ loại thực phẩm nào được nuôi trồng tại hồ này đều gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn”.
Bất chấp cảnh báo, vẫn có người bắt cá bán ra thị trường. Ảnh: LỆ HOA
Người dân leo tường để vào bên trong sân bay đánh bắt cá. Ảnh: LỆ HOA
Những bao cá lần lượt được vận chuyển ra ngoài để bán ra thị trường. Ảnh: LỆ HOA
Phía bên trong bức tường rào bảo vệ sân bay Biên Hòa (được xây dựng kiên cố cao hơn 2 m) ở khu phố 6, phường Trung Dũng là một hồ nước rộng cả ngàn mét vuông, có rất nhiều cá rô phi sinh sống. Đây là nơi nhiều người vào đánh bắt cá trộm rồi bán ra thị trường.
Ban đầu nhóm người này đục một lỗ hổng ở tường rào chui vào đến hồ để trộm cá. Khi cơ quan quản lý sân bay Biên Hòa trám bít lỗ hổng này thì họ lại chuyển lối ra vào bằng cách leo lên thân một cây sung mọc sát tường rào, có kê thêm gỗ, gạch đá làm bậc thang rồi nhảy vào.
Chỉ sau ba giờ theo dõi, tôi đếm được có khoảng 20 người cả nam lẫn nữ vượt tường rào vào sân bay với lỉnh kỉnh lưới chài. Cứ mỗi 30 phút thì từng bao cá được chuyển ngược ra ngoài cũng bằng con đường cây sung ấy. Hễ bao cá nào vừa được đưa xuống đất tức thì có ngay một chiếc xe máy trờ tới “bốc hàng” lao vút đi. Sự việc diễn ra nhanh chóng và thuần thục.
“Tụi nó bắt rồi đem bán ở đâu chứ dân quanh vùng này thì chẳng ai dám ăn loại cá đó, cho cũng không lấy. Bọn này ác quá, vì tiền mà làm chuyện ác nhơn thất đức…” - người dân ở đây cho biết.
Thiết nghĩ chính quyền địa phương nên có biện pháp để ngăn chặn việc trộm cá nhiễm dioxin đem bán này. Vì sức khỏe cộng đồng, mong chính quyền ra tay quyết liệt.