Bất động sản “bình tĩnh” trước dịch COVID-19

Mới bắt đầu đà phục hồi sau tết, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) vốn dự định tăng tốc với hàng loạt kế hoạch được đặt ra. Tuy nhiên, tại thời điểm này, từng DN phải tính toán kỹ khi dịch COVID-19 lại bùng phát.

Hàng ngàn doanh nghiệp thành lập mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm cả nước có gần 44,2 ngàn DN đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 627,7 ngàn tỉ đồng, tổng số lao động đăng ký là 340,3 ngàn lao động. Số liệu này thể hiện mức tăng 17,5% về số DN, 41% về vốn đăng ký và 7,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước

Trong số DN thành lập mới tăng ở tất cả lĩnh vực, DN BĐS tăng 56,5% so với cùng kỳ năm trước, đứng hàng cao nhất trong các lĩnh vực còn lại. Ngoài việc DN thành lập mới tăng mạnh, thời gian qua cũng chứng kiến sự quan tâm đến thị trường BĐS của khách hàng tăng đột biến.

Chuyên trang BĐS batdongsan.com.vn cho biết thời điểm tháng 2 vừa qua, khi dịch bùng phát, nhu cầu tìm kiếm BĐS giảm 50%-100% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3 khi dịch kiểm soát thành công, mức độ quan tâm lại bật tăng lên đến 378%. Điều này là minh chứng rõ nhất nhu cầu tìm kiếm, mua bán BĐS vẫn luôn rất lớn.

Dữ liệu lớn từ batdongsan.com.vn cho thấy khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu tìm kiếm nhà, đất luôn giảm rất mạnh, có thể nói là chạm đáy. Tuy nhiên, ngay khi tình hình được kiểm soát thì thị trường sẽ bật tăng vô cùng mạnh mẽ, giống như lò xo bị nén sẽ tự động bung mạnh khi thời cơ đến.

Bất chấp dịch bệnh, sự quan tâm của khách hàng đối với bất động sản vẫn không giảm sút. Ảnh: NHÂN CHÍNH

Vừa phục hồi, vừa điều chỉnh kế hoạch

“Quý II, kế hoạch kinh doanh của chúng tôi buộc phải thay đổi, lộ trình ra hàng cũng phải sắp xếp lại do tình hình dịch diễn biến phức tạp. Các chương trình giới thiệu dự án đến với khách hàng đều phải hủy” - một DN BĐS phát triển các dự án ở các tỉnh phía tây chia sẻ.

Tương tự, một quỹ đầu tư sở hữu nhiều dự án cả phía Nam và miền Trung cũng phải “tính toán kỹ lại” khi các kế hoạch kinh doanh đang bị đảo lộn do dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư. “Chúng tôi phải họp lại, qua tuần chắc mới có kế hoạch kinh doanh mới, trong đó phải có giải pháp đối phó dịch” - đại diện truyền thông của quỹ này chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho biết COVID-19 một lần nữa bùng lên khiến nhiều DN BĐS đứng ngồi không yên. Thực tế hiện nay có những sự kiện mở bán phải hoãn lại và chưa biết thời điểm nào có thể tái khởi động. Có DN linh động chuyển qua hình thức tổ chức event qua công cụ trực tuyến như YouTube, Facebook…

“Chúng tôi đã tổ chức trình chiếu về dự án cũng như cố gắng giúp khách hàng chọn lựa sản phẩm, hoàn tất giao dịch mà không phải đến dự án hoặc giao tiếp với nhân viên kinh doanh” - ông Việt nói.

Tương tự, đại diện Thắng Lợi Group cũng nhận định trong nguy có cơ, rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. “Thực tế của thị trường chính là cơ hội sàng lọc, định vị lại các DN trong ngành BĐS một cách rõ nét nhất. Đây là dịp để chúng tôi tự nhìn lại cơ cấu tổ chức, làm mới mình, tìm ra những hướng đi phù hợp để tồn tại và phát triển, biến khó khăn thành động lực để chuyển mình” - đại diện Thắng Lợi Group nói.

Chia sẻ về thị trường BĐS trong thời điểm này, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực TP.HCM, cho rằng xu hướng chững lại của thị trường khi COVID-19 xuất hiện là điều bình thường. Lần này dường như các DN đã chuẩn bị sẵn kịch bản khi dịch bùng phát, thậm chí phương án để tiếp thị và bán hàng ngay cả khi phải giãn cách xã hội. Nhiều DN có cái nhìn dài hạn hơn, thậm chí đã áp dụng công nghệ để bán hàng cả năm nay.

DN hiện nay phản ứng kịp thời và nhanh nhạy khi có dịch xảy ra. Ngoài việc chia nhỏ hoạt động mở bán thông qua các đợt bán hàng riêng lẻ, DN sử dụng ứng dụng để bán hàng và chuyển dần sang các nền tảng online thay vì phụ thuộc quá nhiều vào offline như trước đây. “Tâm lý vững hơn sau mỗi lần dịch của người mua nhà đang giúp thị trường giữ được sự tích cực” - ông Tuấn đánh giá.

DKRA Việt Nam dự báo quý II nguồn cung phân khúc đất nền có thể tăng so với quý I, tập trung chủ yếu ở những thị trường các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Về căn hộ, nguồn cung mới có thể sẽ tăng mạnh ở hầu hết địa phương. Tại TP.HCM, nguồn cung mới dự kiến đạt khoảng 7.000-8.000 căn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới