Bất động sản Việt hấp dẫn, hút hàng tỉ đô vốn ngoại

(PLO)- FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn.

Trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sụt giảm thì bất động sản (BĐS) lại là điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại tăng mạnh trong năm 2022.

Nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn

Trong năm 2022, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỉ USD, chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, ngành kinh doanh BĐS tiếp tục giữ vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư FDI hơn 4,45 tỉ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ông TRẦN KHÁNH QUANG

Ông TRẦN KHÁNH QUANG

Hiện nay vẫn có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào BĐS Việt Nam ở nhiều phân khúc như BĐS công nghiệp và hậu cần, khách sạn và văn phòng. Các nhà đầu tư ngoại đang quan sát, nếu các tập đoàn khó khăn về dòng tiền, chịu giảm giá 20%-30% thì họ sẽ đổ vốn vào thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập.

Ông TRẦN KHÁNH QUANG, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa

Đặc biệt, dù tổng vốn FDI năm nay bị sụt giảm nhưng riêng dòng vốn rót vào lĩnh vực BĐS lại tăng cao. Cụ thể, vốn ngoại vào lĩnh vực BĐS cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỉ USD, tương ứng tăng hơn 70% so với cả năm 2021.

Lý giải điều này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho biết việc vốn ngoại tăng mạnh vào lĩnh vực BĐS cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành BĐS nói riêng. Nhà đầu tư vẫn ưu tiên BĐS vì mang tính ổn định, thu hút được nguồn vốn lớn so với các ngành khác.

Mặc dù nửa cuối năm 2022 thị trường gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn FDI giảm nhưng vẫn giữ ở mức tốt. Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng lạc quan, vì vậy nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào BĐS do đây không chỉ là tài sản mà còn là dịch vụ khai thác. Khi kinh tế tốt thì nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào BĐS nhà ở, BĐS thương mại, dịch vụ.

Các chuyên gia cũng cho biết vốn FDI đầu tư vào BĐS Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Đài Loan… vì có nhiều đặc tính tương đồng. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại đổ vào địa ốc nước ta không chảy vào ồ ạt mà khá âm thầm lặng lẽ.

Bất động sản Việt vẫn có sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: Q.HUY
Bất động sản Việt vẫn có sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: Q.HUY

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết dòng vốn ngoại dịch chuyển vào BĐS Việt Nam đem lại nguồn lực về vốn khá lớn, giúp thị trường giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn nội tại của thị trường nội địa. Sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ góp cho thị trường nguồn kinh nghiệm sâu rộng, thúc đẩy cải cách và phát triển ở tất cả lĩnh vực và phân khúc.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, cả lĩnh vực phân phối và phát triển; đồng thời đem lại nhiều lợi ích hơn cho người mua nhà. Việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp BĐS.

TS Khương khuyến nghị các chủ đầu tư cần bổ sung nguồn vốn từ FDI, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh để giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.

Vốn ngoại chọn phân khúc bền vững

Bài toán nội tại của BĐS Việt là vướng mắc pháp lý như tiền sử dụng đất, thủ tục xây dựng… Vì vậy, theo chuyên gia Trần Khánh Quang, cần tháo gỡ vướng mắc này thì thị trường mới hoàn chỉnh để dòng vốn FDI đổ vào.

Khó khăn thứ hai được ông Quang chỉ ra là nhu cầu thị trường đang chậm lại, do đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn những phân khúc bền vững và phát triển lâu dài 5-10 năm như nhà ở hay căn hộ trung cấp, BĐS thương mại và công nghiệp.

Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp, các chính sách phải có tính ổn định, lâu dài. Đồng thời, mỗi địa phương cần có chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.

“Vốn ngoại cũng sẽ nhìn vào tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường cao tốc quốc gia, hệ thống sân bay quốc tế và nội địa… để tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển thị trường BĐS” - ông Thịnh nói.

Về phía các doanh nghiệp, theo ông Thịnh cần chuẩn bị các điều kiện về tài chính, quyền sử dụng đất, các chương trình, dự án để đầu tư kinh doanh. Trong các hợp đồng cần rõ ràng, cụ thể, tỉ mỉ, có quy trách nhiệm cụ thể theo các điều luật để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả pháp lý khi kinh doanh BĐS. Các doanh nghiệp cần chọn lựa chủ đầu tư có nguồn lực, kỹ năng trong xây dựng, kinh doanh BĐS và phải có mục đích thực chất, gắn bó lâu dài trong quyết định đầu tư.

TP.HCM dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong năm 2022

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2022 đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,5 tỉ USD, chiếm 23%. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,9 tỉ USD. Nhật Bản đứng thứ ba với gần 4,8 tỉ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, TP trên cả nước trong năm 2022. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,9 tỉ USD, chiếm hơn 14% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỉ USD. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,4 tỉ USD

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm