Tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp được dự báo sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế trong năm 2021. Thị trường bất động sản (BĐS) vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ phục hồi nhanh chóng và sôi động tại một số khu vực.
Những cơn sốt đất có thể xảy ra
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, việc điều chỉnh địa giới hành chính ở một số khu vực trong cả nước có thể kéo theo sốt đất cục bộ, dự kiến sẽ khuấy động thị trường BĐS năm 2021.
Cơn sốt đất đến sớm nhất từ đầu năm 2021 là tại TP.HCM. Sau khi quyết định thành lập TP Thủ Đức được thông qua, giá nhà, đất ở khu vực này liên tục tăng nhiều đợt. Cụ thể, ở phường Trường Thọ, tính từ giữa năm 2019 đến nay giá đất đã tăng khoảng 40%, lên tới 70-90 triệu đồng/m2. Trước đây khu vực này chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng TP Thủ Đức sẽ thành điểm nóng sáng nhất, dẫn dắt nguồn cung nhà ở tại TP.HCM trong những năm tới. Điều này kéo theo khu đông tiếp tục là khu vực trọng điểm của nhiều phân khúc sản phẩm, đặc biệt là mảng căn hộ bao gồm cả sản phẩm cao cấp và hạng sang, thu hút nhà đầu tư và người mua để ở.
Một điểm nóng có thể tạo sốt đất trong năm 2021 là thông tin đề án chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Bốn huyện vùng ven này với quỹ đất lớn được dự báo sẽ sớm được chuyển đổi lên quận và nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở trong bối cảnh TP đang khan hiếm nguồn cung. Đặc biệt là những khu vực nằm trong 26.000 ha đất nông nghiệp được phép chuyển đổi thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020.
Những tỉnh vùng ven khu vực phía đông tại TP.HCM cũng được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận sự sôi động. Điển hình như Bình Dương sẽ xuất hiện đợt sốt đất trong bối cảnh mở rộng 34 khu công nghiệp vào những năm tới.
Điểm sốt còn có thể diễn ra cục bộ ở khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) với thông tin về cầu Cát Lái và sân bay Long Thành. Ngoài ra, hệ thống giao thông đang được triển khai kết nối Nhơn Trạch - TP.HCM sẽ kéo theo làn sóng đầu tư bắt đầu xuất hiện rõ nét ở khu vực này để đón đầu hạ tầng lớn.
Đã trải qua nhiều lần sốt đất nhưng với thông tin thành lập TP Phú Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng khó ngăn tình hình nóng trở lại trên TP đảo này. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cũng nhận định năm 2021 là cơ hội để giá nhà, đất tại Phú Quốc bật tăng tiếp tục.
Trong khi đó, tại thị trường phía Bắc, kênh thông tin batdongsan.com.vn dự báo sốt đất cục bộ sẽ diễn ra tại một số địa phương như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình. Đây là những khu vực ghi nhận mức độ quan tâm của nhà đầu tư tăng mạnh trong năm 2020 và dự kiến tiếp tục trong năm mới.
Thị trường BĐS TP Thủ Đức được dự đoán sẽ nổi sóng trong năm 2021.
Ảnh: MINH LONG
Sốt đất khó lan rộng
TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho biết thị trường BĐS phụ thuộc nhiều vào bức tranh của nền kinh tế. Lý do năm 2020 BĐS vẫn trụ vững vì kinh tế vẫn tăng trưởng dù giảm so với mọi năm.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp đầu năm 2021, lượng kiều hối giảm, chứng khoán trồi sụt, kênh đầu tư vàng mất hấp dẫn thì BĐS vẫn sẽ là kênh đầu tư được các nhà đầu tư có năng lực tài chính nhắm đến.
Nhận định về những cơn sốt đất sắp tới, TS Nhân cho rằng có thể xảy ra ở những nơi ít bị ảnh hưởng bởi thông tin dịch như TP Thủ Đức hoặc Đồng Nai, nơi có những thay đổi về hạ tầng giao thông như sân bay Long Thành, cầu Cát Lái… Tuy nhiên, sốt đất chỉ diễn ra cục bộ, nhỏ lẻ tại một số khu vực và nhanh hạ nhiệt chứ không lan rộng như những năm trước đây.
“Sốt đất nhiều nơi, khắp cả TP hay cả nước thì không thể xảy ra” -TS Nhân khẳng định.
Ông Nhân khuyến cáo các nhà đầu tư cần cẩn trọng, nên xác định đầu tư theo một chiến lược dài hơi, hạn chế dùng đòn bẩy tài chính. Đầu tư phân khúc nhà phố hay sản phẩm nhà phố thương mại thì người mua cần quan tâm đến năm yếu tố là vị trí dự án, giao thông, giá trị tiện ích, giá trị dịch vụ và liên kết vùng. Nhà đầu tư nên mua sản phẩm nằm trong các khu đô thị được quy hoạch đồng bộ, giao thông thuận lợi kết nối với các thành phố lớn, chủ đầu tư uy tín, giá cả hợp lý.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá BĐS một cách nhanh chóng tạo nên những cơn sốt đất cục bộ được ông Nguyễn Văn Đính chỉ ra là do thông tin quy hoạch chưa được rõ ràng, minh bạch và thị trường khan hiếm nguồn cung. Vì vậy, khi công bố quy hoạch, chính quyền địa phương phải công bố cả kế hoạch phát triển như thế nào, lộ trình bao nhiêu năm, đã giao cho doanh nghiệp nào để triển khai… Thông tin quy hoạch, phát triển càng rõ ràng càng giúp cho thị trường ít bị biến động, xáo trộn.
“Còn về nguồn cung, khi cơ quan quản lý tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án thì sẽ đảm bảo có nguồn cung. Khi có nhiều hàng hóa ra thị trường sẽ tạo ra sự cân bằng tự nhiên, có nhiều sản phẩm thì giá sẽ bình ổn” - ông Đính lưu ý.
Giá nhà, đất tiếp tục tăng 5%-10% trong năm 2021 Hội Môi giới BĐS Việt Nam dự báo nhu cầu về phân khúc căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Phân khúc căn hộ trung cấp loại căn hộ có hai phòng ngủ tiếp tục được giao dịch nhiều nhất. Trong năm 2021 có thể đạt 90.000-100.000 sản phẩm căn hộ được giao dịch tại hai thị trường lớn này. Cùng với đó, giá nhà, đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Dự báo mức tăng khoảng 5%-10% so với năm 2020. Tại các tỉnh, TP khác cơ bản đều tăng giá BĐS ở mức 5%-7% so với năm 2020. Một số địa phương có thể tăng mạnh hơn, đạt trên 10% như Đồng Nai, Bình Dương, TP Phú Quốc, Vân Đồn và Móng Cái (Quảng Ninh). |