Bất ngờ phát hiện thỏ vằn cổ quý hiếm ở Huế

Theo đó, trong những đợt tuần tra giám sát đa dạng sinh học mới đây, cán bộ khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế đã bất ngờ phát hiện 1 cá thể thỏ vằn tại tiểu khu rừng 405- Khu bảo tồn Sao La.

TS Phạm Trọng Ảnh, phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật , Viện KH-CN Việt Nam, cho biết “Thỏ vằn có tên khoa học là Nesolagus Timminsi, là một trong hai loài thỏ duy nhất có sọc. Đây là loài thú cổ còn sót lại”.

Bất ngờ phát hiện thỏ vằn cổ quý hiếm ở Huế ảnh 1


Thỏ vằn cổ quý hiếm vừa được phát hiện tại Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế đầu tháng 6/2013
(ảnh: Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế cung cấp)
Theo TS Đặng Tất Thế, phòng Hệ thống học phân tử và di truyền bảo tồn, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, thỏ là loài nổi tiếng về khả năng sinh sản nhanh, chúng đạt đến tuổi trưởng thành sớm và đẻ thường xuyên. Thế nhưng, chưa rõ vì sao loài thỏ vằn này lại ngược lại, chỉ có quần thể rất nhỏ, nhỏ về mặt số lượng, nhỏ về mặt phân bố và đẩy loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng mà chưa có sự lý giải thỏa đáng. “Việc thiếu các đề tài nghiên cứu chi tiết, cụ thể không chỉ đối với loài này mà còn nhiều loài quý hiếm khác là vấn đề báo động trong công tác bảo tồn loài hiện nay”, TS Thế cho biết thêm. Việc phát hiện mới loài Thỏ vằn tại khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế là một bất ngờ và thú vị lớn. Nhưng đã đặt ra những vấn đề tiếp theo về công tác bảo tồn ở khu này. Trước đây, các cán bộ khu bảo tồn Sao la TT-Huế đã từng phát hiện, giải vây một cá thể Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), nặng khoảng 7-8 kg tại tiểu khu rừng 347 thuộc Khu bảo tồn Sao La. Cũng trong một lần trên đường đi đặt bẫy ảnh tại tiểu khu rừng 353, các nhân viên đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng thú vị trước 1 chú mang đỏ đang nằm nghỉ bên dòng suối mát. Tuy nhiên, chú mang nghe tiếng động của người đã chạy mất trong sự đáng tiếc của cán bộ.
Bất ngờ phát hiện thỏ vằn cổ quý hiếm ở Huế ảnh 2
Mang đỏ quý được phát hiện tại khu bảo tồn Sao la vào tháng 5/2013
(ảnh: Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế cung cấp)
Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế nằm trong hành lang đa dạng sinh học của vùng trung Trường Sơn, có tính đa dạng sinh học cao. Đây là môi trường sống quan trọng của nhiều loài đặc hữu như: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Voọc chân xám  (Pygathryx nemaeus cinerea), Trĩ sao (Rheinartia ocellata)... Được biết, thông qua các hoạt động nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học, trong thời gian qua, với phương pháp khảo sát và đặt bẫy ảnh, Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế đã phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN (Bảo tồn Thiên nhiên thế giới) đang đứng bên bờ tuyệt chủng như: Sao la, Sơn dương, Gấu, Thỏ vằn, Mang lớn, Mang Trường Sơn...
Theo Đại Dương (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm