Với việc xuất hiện ngày càng nhiều người giàu cho thấy nền kinh tế Việt Nam (VN) đang ngày càng hấp dẫn và môi trường kinh doanh có dấu hiệu tốt hơn.
Tài sản tăng mạnh mẽ
Kết thúc năm 2019, bảng xếp hạng 200 người giàu nhất trên sàn chứng khoán VN, đặc biệt là tốp 10 người giàu nhất có một đặc điểm đáng lưu ý: Tổng giá trị tài sản của nhóm người giàu nhất gia tăng một cách mạnh mẽ.
Cụ thể, đứng đầu danh sách những người giàu nhất VN vẫn là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Một điều khá lý thú là năm 2019 tạo ra nhiều bất ngờ trên thị trường với việc Vingroup gia nhập mạnh mẽ vào lĩnh vực xe hơi, công nghệ cao cũng như thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm các chuỗi bán lẻ của các đối thủ. Đặc biệt, vào tháng cuối cùng của năm 2019, thị trường xôn xao khi Vingroup chuyển giao hệ thống siêu thị Vinmart cho Tập đoàn Masan.
Thế nhưng tài sản của ông Vượng vẫn gia tăng lên con số gần 215.000 tỉ đồng. Nghĩa là tài sản của vị tỉ phú này tăng hơn 20% so với năm 2018 và tăng gần 80% so với năm 2017. Không có gì khó hiểu với việc ông Vượng tăng tổng giá trị tài sản vì điều này tương đồng với hiệu quả kinh doanh của Vingroup gia tăng mạnh qua từng năm.
Đáng chú ý, tổng tài sản của ông Vượng tương đương với 30 người giàu nhất VN và do đó cũng đã bỏ xa người đứng thứ hai trong bảng xếp hạng người giàu nhất VN. Đó là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không VietJet. Tổng tài sản của bà Thảo hiện nay là hơn 30.000 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với năm trước đó.
Cũng tương tự ông Vượng, độ giàu có của bà Thảo gia tăng nhờ vào sự tăng trưởng của hãng hàng không giá rẻ. Điều này được phản ánh vào giá cổ phiếu VietJet đang tăng rất cao, đạt mức bình quân trên 140.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Hiện nay, trên bảng xếp hạng tỉ phú USD, bà Thảo có tài sản là 2,7 tỉ USD, tăng thêm 48 triệu USD so với đầu năm 2019.
Hai người giàu nhất Việt Nam. Ông Phạm Nhật Vượng duy trì liên tục vị trí dẫn đầu trong nhiều năm, còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng liên tục được xếp hạng là người phụ nữ giàu nhất nước ta. Ảnh: TL
Trở lại danh sách tỉ phú USD
Trên bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt còn nhiều điều khá lý thú khác. Theo đó, dù trong suốt một năm không gia tăng được giá trị tài sản nhưng bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup, đồng thời là vợ tỉ phú Phạm Nhật Vượng và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, lần lượt xếp thứ ba và thứ tư người giàu nhất với tổng giá trị tài sản là 17.371 tỉ đồng và 16.450 tỉ đồng.
Đặc biệt, đúng vào ngày cuối cùng của năm 2019, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, chính thức quay trở lại bảng xếp hạng tỉ phú USD của tạp chí với tổng giá trị tài sản đúng 1 tỉ USD. Trước đó, vào tuần đầu tháng 12-2019, sau khi nắm quyền kiểm soát Vinmart, thị trường chứng khoán đã phản ứng tiêu cực với cổ phiếu Masan khiến ông mất vị trí tỉ phú USD.
Tuy nhiên, sự thay đổi ngoạn mục tài sản nhất có lẽ là ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Công ty Hoàng Huy, với mức tăng trưởng tài sản lên đến con số 81,7%. Điển hình là năm 2018, ông Hạ có số tài sản chỉ 2.740 tỉ đồng, xếp thứ 21 thì hiện nay tổng tài sản của ông đã lên mức 4.979 tỉ đồng, xếp thứ 12.
Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ngày 11-11-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!”. Ông Phúc cũng khẳng định luôn dân có giàu thì nước mới mạnh, đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và Nhà nước. |
Gỡ vướng để có thêm nhiều người giàu
Theo các chuyên gia, sự giàu có của các tầng lớp doanh nhân đang đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế nước ta. Điển hình như tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ gia tăng; đem đến nhiều công ăn việc làm cũng như mang lại các cơ hội làm giàu cho người khác.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhìn nhận doanh nghiệp kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào pháp luật cho phép và làm giàu được bằng năng lực, tài năng và ý chí thì sẽ xây dựng đất nước lớn mạnh. Do đó cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
“Đặc biệt, cần phải thổi khát vọng lớn vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ, người muốn khởi nghiệp” - ông Thiên nhấn mạnh.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá qua hơn 30 năm đổi mới, VN đã làm rất tốt khi khai sinh ra đông đảo tầng lớp doanh nghiệp tư nhân, nhiều người trong số đó đã vươn lên vị trí tỉ phú thế giới. Điều đó cho thấy quá trình cải cách của VN thành công.
Tuy các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội rất lớn của quá trình hội nhập và phát triển nhưng cũng đang đứng trước thách thức lớn. Đó là cộng đồng doanh nghiệp Việt phần lớn là siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thật sự và ngang ngửa trên thị trường thế giới còn hạn chế; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, quản trị còn yếu kém, công nghệ chưa cao.
“Có nhiều nguyên nhân để giải thích điều này. Đó là thể chế chính sách hành chính của chúng ta còn nhiều điểm hạn chế. Môi trường pháp lý đang thiếu minh bạch, hệ thống pháp lý đang rất chồng chéo. Điều này dẫn đến doanh nghiệp lớn lên khá chậm, cải thiện năng lực cạnh tranh không nhanh” - ông Lộc nhận xét.
Chính vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, hành trình cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục để khuyến khích mọi người làm giàu. “Chính quyền cần tiếp tục nỗ lực bứt phá để đưa môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật kinh doanh của VN tiến bộ hơn, hướng đến chuẩn mực hàng đầu của ASEAN và thế giới” - chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Người giàu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh Theo báo cáo thịnh vượng 2019 (Wealth Report) của Knight Frank, tính đến cuối năm 2018, VN có 142 người sở hữu tổng tài sản 30 triệu USD trở lên, tăng bảy người so với năm 2017. Trong vòng năm năm tới, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu tại VN có thể tăng nhanh hàng đầu thế giới. Về số triệu phú sở hữu tài sản từ 3 triệu USD đến dưới 30 triệu USD, báo cáo ghi nhận: Năm 2018 VN có khoảng 12.300 người, tăng hơn 5% so với năm trước. Dự báo đến năm 2023, con số triệu phú tại VN có thể tăng lên hơn 15.700 người, đạt tốc độ tăng 28%. |