Tại hội thảo hàng không – du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững do báo Nhân Dân tổ chức diễn ra vào chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Thời gian qua, do chi phí đầu vào gia tăng và biến động quy mô máy bay gây áp lực lên giá vé. Nên việc kết nối giữa hai ngành sẽ hướng tới một chi phí hợp lý cho người dân, để cùng nhau phát triển bền vững, lâu dài.
Vẫn tranh cãi vé máy bay cao hay thấp
Nêu quan điểm tại hội thảo, có đại biểu vẫn cho rằng giá vé máy bay vừa qua là hợp lý, bởi ngoài những nguyên nhân Bộ GTVT nêu ra có lý do giá vé trước đây được khuyến mãi nhiều nên người dân cảm giác thấp.
“Các hãng hàng không ngày xưa vác giá phang nhau nhiều quá, tạo thói quen cho người dân là hãng đang bán giá đấy. Thực tế, trước đây các hãng tung giá vé khuyến mãi lên đến 30% trên tổng giá vé bán ra, giờ các hãng giảm xuống còn 5%, nên người dân bảo giá lên cao.
Thực chất các dải giá vé vẫn nằm như thế, không thay đổi…”- ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel lại cho rằng, vé tăng chi phí hàng không rất lớn. Hiện các hãng đang bay thuê, tương tự như bay gia công, tất cả đều của người khác, từ cái lốp, ốc vít đến phần mềm check - in và check - out. Chúng ta chỉ có con người và thị trường.
“Vì vậy, đã đến lúc ngành hàng không ngồi lại với nhau và Chính phủ cũng phải ngồi lại với ngành hàng không để đưa ra một chính sách, chiến lược phát triển hàng không. Nếu không chúng ta chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề của hàng không hiện nay…”- ông Kỳ khẳng định.
Còn ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, giá vé máy bay thời gian qua tăng do thị trường hàng không nội địa thiếu sức cạnh tranh.
Ông dẫn chứng, giá vé máy bay ở Thái Lan rẻ vì có nhiều hãng cùng khai thác, còn ở ta chỉ có hai hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines và Vietjet, chiếm thị phần gần như toàn bộ trong nước hiện nay.
Việc giá vé tăng cao sẽ khiến nhiều gia đình Việt Nam lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Điều này làm cho du lịch nội địa không phát triển.
Hầu hết trông chờ vào Nhà nước
Với những nguyên nhân được chỉ ra, các đại biểu đều khẳng định hàng không và du lịch cần phải bắt tay nhau để phát triển lâu dài. Tuy nhiên, các hãng bay và doanh nghiệp du lịch chưa đưa ra các chính sách như loại bỏ chi phí bất hợp lý của vé máy bay, hay chính sách giảm giá phòng khi thực hiện liên kết.
Từ đó, ông Chính đưa giải pháp cụ thể trước mắt đó là các hãng cần loại bỏ ngay khoản phí thanh toán vé (50.000 đồng khách/chặng).
Đối với các doanh nghiệp khách sạn, ông đề xuất nên áp dụng chính sách nhận, trả phòng linh hoạt không nên “cứng” như hiện nay là nhận phòng sau 14 giờ và trả phòng trước 11 giờ.
“Hiện có một chuỗi khách sạn đã áp dụng phương thức nhận, trả phòng linh hoạt cho khách đặt chỗ trực tiếp theo nguyên tắc khách hàng được ở 24 giờ. Nghĩa là nếu khách nhận phòng lúc 19 giờ hôm trước thì có thể trả phòng lúc 19 giờ hôm sau mà không phải trả thêm phí trả phòng muộn…
Như vậy du lịch sẽ “bắt tay” với ngành hàng không để tăng các chuyến bay đêm”- ông Chính dẫn chứng.
Chính phủ cũng cần có chính sách giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021; xem xét trình Quốc hội điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các hãng hàng không quốc tế đầu tư vào Việt Nam, theo hướng tăng tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài lên tối đa 49% thay vì 34% như hiện nay.
“Thái Lan có ngành hàng không phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng họ vẫn khuyến khích đầu tư nước ngoài vào hàng không Thái Lan, bao gồm cả vốn đầu tư của một hãng hàng không Việt Nam (Vietjet). Chứng tỏ đầu tư hàng không ở Việt Nam với các chính sách hiện hành chưa hấp dẫn…’- ông Chính dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh, cho rằng cái “bắt tay” của hàng không và du lịch cần đi vào thực chất. Bởi lẽ khái niệm “hàng không và du lịch như hai cánh máy bay” đã tồn tại mấy thập kỷ, nhưng đến nay “không biết bay đến đâu rồi”.
“Theo tôi chúng ta cần phải tổng kết lại xem đến nay đã làm được gì và chưa làm được gì, để tìm ra hướng đi chung”- ông Thanh nêu quan điểm.