Trước khi vào phần tranh luận, đại diện VKSND TP. Hà Nội, cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa, đọc kết luận vụ án.
“Việc VKSNDTC truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”- đại diện VKS nói.
Theo VKS, trong những năm vừa qua, có không ít doanh nghiệp giả dối, trốn tránh trách nhiệm với nhà nước, thao túng lũng đọan thị trường, gây thiệt hại cho nhà nước, gây bất bình cho dư luận, trong đó có vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
Về hành vi Kinh doanh trái phép:
Theo VKS, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch HĐTV tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền trên 21 nghìn tỷ đồng.
Hành vi trốn thuế:
Nguyễn Đức Kiên đã dùng thủ đoạn ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B (mà Kiên làm Chủ tịch HĐQT) với Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) để chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp sang cho cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, số tiền trên 25 tỷ đồng.
Về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên và hai đồng phạm Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến:
Kiên đã chỉ đạo Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) lập khống biên bản họp HĐQT và Quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát mà ACBI đang sở hữu, để tạo lòng tin cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua cổ phần và chuyển giao số tiền 264 tỷ đồng nhưng không được sở hữu cổ phần đã mua.
Hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Đức Kiên và các lãnh đạo ACB:
Nguyễn Đức Kiên cùng các lãnh đạo ACB đã chỉ đạo việc ủy thác số tiền gần 719 tỷ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP.HCM. Toàn bộ số tiền ủy thác này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt.
Ngoài ra, các lãnh đạo ACB và bầu Kiên đã chỉ đạo và thực hiện việc đầu tư mua cổ phiếu ACB trái quy định, tiếp tục gây thiệt hại cho Ngân hàng này trên 687 tỷ đồng.
VKS nhận định, trong vụ án này, Nguyễn Đức Kiên giữ vai trò chủ mưu. Kiên đã sử dụng áp lực, quyền lực của mình tại ACB để buộc các thành viên trong Thường trực HĐQT phải thực hiện theo ý chí của mình. Các ý kiến của Kiên sau đó đã trở thành Nghị quyết của HĐQT ACB.
Tại tòa, Nguyễn Đức Kiên đã không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật… nên cần cách ly bị cáo khỏi xã hội trong một thời gian dài.
Theo đó, VKS đã đề nghị các mức án như sau:
- Nguyễn Đức Kiên (SN 1964), Phó chủ tịch HĐ sáng lập ACB: 18-24 tháng tù tội kinh doanh trái phép, phạt 25-30 triệu về hành vi kinh doanh trái phép, tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền bị cáo đã sử dụng kinh doanh trái phép; 4-5 năm về Tội trốn thuế, phạt từ 2-3 lần số thuế đã trốn; 16-18 năm tù về tội lừa đảo; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng, cấm bị cáo giữ các chức vụ điều hành tổ chức tín dụng từ 3-5 năm sau khi mãn hạn tù. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
- Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái.
- Lý Xuân Hải (SN 1965), Tổng giám đốc ACB: 12-14 năm tù về tội cố ý làm trái.
- Trịnh Kim Quang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 6-7 năm tù về tội cố ý làm trái.
- Phạm Trung Cang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
- Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958), Phó TGĐ ACB: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
- Trần Ngọc Thanh (SN 1952), Tổng giám đốc ACBI: 9-10 năm tù về tội lừa đảo.
- Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969), kế toán trưởng ACBI: 7-8 năm tù về tội lừa đảo.
THU NGUYỆT