Ngói úp nóc gắn lá đề trang trí hình chim Phượng thời Lý. Ở thời này, những viên gạch lát nền, gạch trang trí, ngói úp nóc, ngói ống bằng đất nung, bằng đá hay tráng men đều được trang trí bằng những hình tượng long – ly – quy – phượng và hoa lá với những đường nét hết sức cầu kỳ, tinh tế.
Theo các nghiên cứu về kiến trúc thời Lý, để thực hiện một lá bồ đề gắn phượng (ảnh), 40 nghệ nhân thời Lý phải thay phiên nhau chạm khắc trong hai ngày. Đến phiên của mình, mỗi nghệ nhân chỉ được phép thực hiện công việc trong khoảng 10 phút để đảm bảo sự tập trung cao độ nhất cho tác phẩm. Ảnh do viện Goethe Việt Nam cung cấp.
Theo giáo sư Sabine von Schorlemer, Bộ trưởng Kinh tế và Nghệ thuật bang Sachsen, Đức, triển lãm về khảo cổ học của Việt Nam sẽ khai màn cho các triển lãm khác sau đó ở Đức. Triển lãm là mắt xích quan trọng trong quan hệ hai nước. "Đây là dự án quan trọng đối với chúng tôi, lần đầu tiên người dân Đức có cơ hội làm quen với văn hóa khảo cổ học Việt Nam. Sự kiện cũng mở ra cơ hội cho hơn 100 nghìn người Việt Nam đang sinh sống tại Đức được chiếm ngưỡng văn hóa quê hương", bà Sabine von Schorlemer nói. Tiến sĩ Stefan Leneen, giám đốc dự án trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" ở Đức năm 2014-2015 đánh giá: “Khi tiếp cận với khảo cổ học Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên bởi những thành tựu lớn của Việt Nam và trong nền khảo cổ học Việt Nam, tôi nhận ra có nhiều chuyên gia lớn có chuyên môn cao". Ông Leneen cho rằng, những di chỉ khảo cổ không chỉ có ý nghĩa cho việc nghiên cứu mà còn là địa chỉ thú vị sẽ hấp dẫn khách du lịch Đức - những người đam mê khám phá các di tích lịch sử, đặc biệt là di chỉ khảo cổ học. Để chuẩn bị cho triển lãm, tại Hà Nội, từ 29/2 đến 2/3 sẽ diễn ra Hội thảo "Quốc tế về Khảo cổ học Việt Nam". Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Hữu Toàn cho biết, để tiến tới cuộc trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”, hội thảo khoa học giúp Đức có những hiểu biết về quá trình hình thành và phát triển của khảo cổ học Việt Nam. Trên cơ sở hiểu biết đó, Việt Nam sẽ tổ chức được cuộc trưng bày thành công. Từ đó, giới thiệu được thành tựu của khảo cổ học Việt Nam cũng như lịch sử-văn hóa Việt Nam tới không chỉ người dân Đức mà bạn bè quốc tế. Hiện Bộ Văn hóa thể thao du lịch cùng các chuyên gia khảo cổ Việt Nam và Đức đang lựa chọn những báu vật có giá trị nhất tới cuộc triển lãm của Đức. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 1/8/2010.
Theo Hương Thu (VNE)