Bảy nỗi sợ khiến du khách nước ngoài không trở lại Việt Nam

“Tiềm năng du lịch như tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên... rất lớn, được xếp hạng cao nhưng tăng trưởng du lịch thì rất thấp, xếp sau cả Lào và Myanmar. Du lịch Việt Nam thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng…”.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành liên quan ngày 9-8 tại TP Hội An (Quảng Nam).

Quảng bá du lịch còn hạn chế

Theo Bộ VH-TT&DL, mặc dù ngành du lịch đã có nhiều bước phát triển vượt bậc nhưng công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập. Cụ thể là việc kinh doanh lữ hành bất hợp pháp còn diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng lừa đảo, đeo bám, ép khách, mất cắp hành lý, không đảm bảo an ninh, an toàn... chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Đại diện các doanh nghiệp (DN), địa phương cũng dẫn ra nhiều bất cập khác: Việc xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế về nguồn lực và hiệu quả, nguồn nhân lực du lịch hạn chế về số lượng và chất lượng... Nhiều địa phương chưa xác định được thị trường trọng điểm, chưa phù hợp với thói quen khác nhau của khách quốc tế, nhất là khách châu Âu.

Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM. Ảnh: HTD

Ông Vũ Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Saigontourist, dẫn ra một thực tế tình trạng phát triển du lịch nóng tại Phú Quốc dẫn đến việc trong một năm có thể xây xong một khách sạn cả ngàn phòng nhưng lại không có người làm. Nếu không định hướng về đào tạo nhân lực du lịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ. Hiện nước ta vẫn chưa có trường đào tạo nhân lực quản lý cấp cao đối với khách sạn 3-5 sao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảnh báo “Nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam là rất lớn”. Dẫn chứng là lượng khách quốc tế đến Việt Nam đứng thứ năm trong 10 nước ASEAN nhưng hơn 70% khách không quay trở lại vì bảy nỗi sợ. Đó là cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.

Phải khác biệt, có đẳng cấp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng muốn phát triển du lịch phải thay đổi tư duy, nhận thức về làm du lịch để ngành này không bị tụt hậu. Phải coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ và ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường. Không coi du lịch chỉ đơn thuần là ngành vui chơi, giải trí, mang nặng tính bao cấp.

“Phải nâng cao tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn bản sắc, có sức cạnh tranh” - Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng đề nghị phải tạo ra các sản phẩm du lịch có tính khác biệt, đẳng cấp và sức cạnh tranh cao. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch bằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch. Trong đó, vấn đề cốt lõi là thông thoáng trong thực hiện chính sách để tránh bị rơi vào tình trạng bao cấp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì cho rằng cần phải xắn tay ngay vào để phát triển du lịch chứ không chần chừ. “Phát triển du lịch không chỉ là việc làm của Nhà nước, DN mà là cả của cộng đồng. Cần vận động người dân cùng vào cuộc”.

Trước những kiến nghị của DN về đào tạo nguồn nhân lực du lịch, công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ xem xét ngay những việc cụ thể để tháo gỡ khó khăn.

Thủ tướng: Không phát triển casino tràn lan

Kiến nghị với Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian miễn thị thực (visa) cho một số thị trường khách châu Âu trọng điểm. Thực tế số lượng khách châu Âu đến TP.HCM rất lớn nhưng do visa ngắn ngày nên không thể khai thác hết tiềm năng. Nhiều DN, địa phương khác cũng nêu kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế, vốn ngân sách, vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng chung phục vụ du lịch như đường cao tốc, sân bay, hạ tầng văn hóa...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá du lịch Việt Nam đã có nhiều tiến bộ ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập và khiếm khuyết trong tổ chức du lịch. Sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều tồn tại cần phải sớm khắc phục, không để ảnh hưởng đến văn hóa của dân tộc.

Về vấn đề quy hoạch, phát triển casino, Thủ tướng chỉ đạo phải có quy hoạch hợp lý ở một số địa điểm chứ không tràn lan.

Về vấn đề cảnh sát du lịch như một số đề xuất của địa phương, Thủ tướng nói Bộ Công an đã có dự án và sẽ trình lên Chính phủ xem xét.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ thành lập quỹ đầu tư phát triển du lịch

Muốn phát triển du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ai làm du lịch? Toàn dân làm du lịch. Phải phát huy vai trò của DN, trong đó DN và người dân là chủ thể, là động lực để phát triển du lịch.

Phát triển du lịch phải có tính chuyên nghiệp và bền vững. Trong đó, đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho du khách.

Giao Bộ Công an khẩn trương thực hiện cấp thị thực điện tử, nhập cảnh bắt đầu từ ngày 1-1-2017, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi nhất. Giao Bộ Tài chính, Công an, Ngoại giao đề xuất mức lệ phí thị thực nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh.

Tôi đồng ý sẽ thành lập quỹ đầu tư phát triển du lịch, ngân sách nhà nước sẽ cấp khoản ban đầu khoảng 200-300 tỉ đồng... Cơ chế quản lý và sử dụng phải chặt chẽ, minh bạch.

Trong bảy tháng đầu năm nay, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, phục vụ 38,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 235.000 tỉ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới