Bảy trọng điểm quốc phòng Mỹ

Cắt giảm ngân sách quốc phòng là hành động quá nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ về an ninh và tăng trưởng kinh tế cũng như các lợi ích khác. Quốc hội cần hành động ngay nếu muốn Mỹ tiếp tục giữ ưu thế về an ninh quốc gia.

Đó là nhận định nêu trong báo cáo của Ủy ban Quốc phòng quốc gia Mỹ đăng trên trang web Washington Free Beacon (Mỹ) hồi đầu tháng 8.

Tổ chuyên gia soạn thảo báo cáo gồm nguyên Bộ trưởng Quốc phòng William Perry, nguyên Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm John Abizaid, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân James Cartwright, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Eric S.Eldelman và một số chuyên gia khác.

Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng quốc gia ghi nhận Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề Trung Quốc đòi chủ quyền trên vùng biển rộng lớn và Nga ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Kế đến là chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran, phiến quân Hồi giáo Iraq, nội chiến Syria và tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.

Hải quân Mỹ diễn tập trong cuộc tập trận hải quân quốc tế “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC 2014) ở Hawaii. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Trong khi đó, nhiều nước đang tăng cường khả năng quân sự, các cường quốc quân sự ở châu Á đang vươn lên và phát sinh tình trạng tranh giành tài nguyên trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, báo cáo đánh giá quốc phòng mới nhất (được soạn thảo bốn năm một lần) của Lầu Năm Góc lại đề ra nhiều nhiệm vụ không thể đáp ứng do ngân sách bị cắt giảm.

Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng quốc gia cảnh báo quân đội Mỹ sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận cùng lúc ở bán đảo Triều Tiên, biển Đông, Nam Á, Trung Đông, Nam Phi, châu Âu và nhiều nơi khác.

Do đó, báo cáo đề nghị:

- Tập trung đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và mua sắm để tăng cường lợi thế công nghệ vốn là trung tâm ưu việt của quân đội Mỹ.

- Các ưu tiên đầu tư gồm khả năng tình báo, hệ thống giám sát và trinh sát, hệ thống không gian, chiến tranh mạng, trung tâm tư lệnh liên minh, gia tăng tính ưu việt trên không, khả năng tấn công chính xác tầm xa trên biển và dưới nước, duy trì hậu cần bền vững.

- Đặc biệt tăng cường hải quân và không quân. Tăng tàu chiến từ 260 lên 323-346 chiếc. Tăng cường lực lượng tấn công và trinh sát của không quân.

- Không giảm số lượng quân đội và lính thủy đánh bộ so với trước ngày 11-9-2001, tức khoảng 490.000 quân thường trực và 182.000 quân lính thủy đánh bộ.

- Thu hẹp chi phí duy trì lực lượng quân tình nguyện, thu hẹp lực lượng dân sự trong quân đội và nhà thầu quốc phòng. Thay vào đó, tiếp tục xây dựng lực lượng quân sự xung phong tại châu Á, điều động luân phiên và gia tăng khả năng tấn công. Duy trì quân đội tại Trung Đông để đối phó với Iran.

- NATO phải tăng cường lực lượng, đặc biệt tại vùng Baltic, Nam Âu và Ba Lan.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Howard P. “Buck” McKean đã đề nghị Lầu Năm Góc sửa lại báo cáo đánh giá quốc phòng vì báo cáo này chủ yếu tập trung vào ngân sách hơn là các mối đe dọa.

DUY KHANG

Ngày 4-8 (giờ địa phương), Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel thông báo tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Myanmar vào ngày 10-8 tới, Ngoại trưởng John Kerry sẽ nhấn mạnh cần dừng mọi hành động làm nghiêm trọng thêm tranh chấp ở biển Đông. Ông Daniel Russel nói các bên tranh chấp nên tự nguyện xác định các hành động nào đáng lo ngại và loại bỏ các hành động này nếu đồng thuận. Ông nhận xét hành động rút giàn khoan của Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam tuy làm giảm bớt căng thẳng nhưng đã để lại oán giận và câu hỏi lớn của các nước láng giềng về chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm