Bayer SAS (FR) là một công ty ở Pháp (thành viên của Tập đoàn Bayer) chuyên sản xuất các sản phẩm hóa nông. Bayer SAS đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận quyền sở hữu bằng độc quyền sáng chế số 1928 bảo hộ hỗn hợp thuốc trừ sâu bao gồm thuốc trừ sâu họ Clonicotinyl và thuốc trừ sâu có nhóm Pyrazol, Pyrol hoặc Phenylimidazol (trong đó có hỗn hợp Imidacloprid và Fipronil, Fipronil và Nitenpyram).
Bayer SAS đã giành thắng lợi trong một vụ kiện dân sự quan trọng liên quan đến bằng độc quyền sáng chế số 1928 nói trên tại Việt Nam. Vụ kiện này có thể được xem là trường hợp đầu tiên mà chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế nước ngoài khởi kiện nhằm thực thi quyền chủ sở hữu sáng chế của mình tại Tòa án Việt Nam và cũng là một trong những vụ án đầu tiên trong lĩnh vực sáng chế được Tòa án Việt Nam giải quyết.
Bản án sơ thẩm ngày 2-2-2015 của TAND TP.HCM
Cụ thể, năm 2013, Bayer SAS khởi kiện Công ty TNHH Thương mại Nông Phát (trụ sở tại TP.HCM, gọi tắt là Nông Phát) về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau khi phát hiện một số sản phẩm thuốc trừ sâu có tên thương phẩm là “SESPA GOLD” và “HUMMER” có chứa hỗn hợp Imidacloprid và Fipronil đã được bảo hộ theo văn bằng sáng chế 1928.
Ngày 2-2-2015, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ này. HĐXX đã chấp nhận các yêu cầu của Bayer SAS, buộc Nông Phát phải ngưng sản xuất, đóng gói, phân phối, tàng trữ, lưu thông, chào hàng, quảng cáo sản phẩm thuốc trừ sâu rầy có tên gọi “SESPA GOLD”; chấm dứt việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ gia 2 thành phần sản xuất ra sản phẩm “SESPA GOLD” và “HUMMER”; thu hồi sản phẩm “SESPA GOLD”; rút lại hồ sơ đăng ký sản phẩm này tại Cục Bảo vệ thực vật; không được quyền đăng ký tiếp sản phẩm nào có chứa hai thành phần Fipronil và Imidacloprid. Đồng thời, HĐXX cũng buộc Nông Phát phải thanh toán cho Bayer SAS chi phí luật sư gần 60 triệu đồng và xin lỗi công khai Bayer SAS trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
Sau đó, phía Nông Phát kháng cáo toàn bộ bản án. Tuy nhiên, dù tòa phúc thẩm đã triệu tập hợp lệ hai lần nhưng Nông Phát vẫn vắng mặt. Vì vậy, ngày 15-6-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM có hiệu lực pháp luật kể từ ngày này.
Bayer SAS tin rằng phán quyết của các cấp tòa án nói trên đã gửi một thông điệp mạnh mẽ cho những chủ sở hữu bằng sáng chế khác rằng các quyền đối với bằng sáng chế của họ có thể được thực thi một cách hiệu quả tại Việt Nam.