Bé 8 tuổi hôn mê sâu do mắc cúm B biến chứng nặng

(PLO)- Bé AV được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện (BV) Sản nhi tỉnh Phú Thọ với chẩn đoán hôn mê sâu, viêm não - màng não, cúm B, viêm phổi kèm rối loạn đông máu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-12, tin từ Bệnh viện (BV) Sản nhi tỉnh Phú Thọ cho biết BV đã ghi nhận một trường hợp cúm B biến chứng rất nặng là bệnh nhi TAV (8 tuổi, trú tại Phú Thọ).

Bệnh nhi được chuyển đến từ BV tuyến dưới với chẩn đoán hôn mê sâu, viêm não - màng não, cúm B, viêm phổi kèm tình trạng rối loạn đông máu.

Trước đó 3 ngày, bệnh nhi có biểu hiện sốt theo cơn kèm buồn nôn, nôn nhiều và được dùng thuốc theo đơn của trạm y tế xã. Sau 3 ngày dùng thuốc, tình trạng không cải thiện, đồng thời xuất hiện cơn giật (khoảng 4 phút), sau cơn giật thì lơ mơ nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV huyện.

Đến 4h sáng hôm sau, bệnh nhi tiếp tục lên cơn co giật, ý thức lơ mơ, các bác sĩ (BS) xử trí đặt ống nội khí quản và chuyển đến BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ.

Sau 8 giờ được điều trị chống phù não, điều trị tăng áp lực nội sọ và thở máy, tình trạng bệnh nhi vẫn rất xấu: Hôn mê, không có phản xạ ánh sáng, đồng tử 2 bên giãn 5 mm, còn tăng áp lực nội sọ. Các BS ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhi.

Sau 30 phút cấp cứu, bệnh nhi có tim trở lại nhưng nhịp tim không đều, mạch quay bắt yếu, huyết áp trung bình 60-65 mmHg, hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn to 5 mm, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng rất nặng. Gia đình xin cho về.

Theo BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ, so với các năm trước, năm nay số lượng bệnh nhi mắc cúm B ghi nhận tại BV tăng đột biến. Chỉ riêng 3 tháng cuối năm 2022, khoa bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho 124 trẻ, cao gấp 3 lần so với số liệu được tổng hợp trong cả năm 2020.

Các bệnh nhi khi nhập viện điều trị chủ yếu có các biểu hiện như sốt cao liên tục, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt, kèm theo ho, viêm họng, sổ mũi.

Một thực tế đáng báo động là khi thấy trẻ bị cúm, các gia đình thường không đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, thay vào đó sẽ tự mua thuốc về điều trị tại nhà. Chỉ đến khi các biểu hiện nặng lên mới cho trẻ đến BV, khi đó rất có thể bệnh đã gây ra những biến chứng nặng.

Do đó, các BS khuyến cáo cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý theo dõi kỹ các biểu hiện bệnh, đặc biệt không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus khi chưa có hướng dẫn, chỉ định của BS. Đồng thời, tiêm phòng cúm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu đối với cả trẻ em và người lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm