Những thành tựu nhân quyền ở Việt Nam - Bài 1

Bệ đỡ pháp lý bảo đảm thực thi quyền con người

(PLO)- Việt Nam thể hiện nỗ lực rất lớn khi đã nội luật hóa hầu hết các quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế vào pháp luật quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Hôm qua (10-12) là ngày Nhân quyền thế giới; trong suốt 75 năm qua, thế giới không ngừng đấu tranh nhằm bảo đảm quyền con người được thực thi ở mức cao nhất. Trong nỗ lực chung ấy, Việt Nam từng bước đạt được nhiều thành tựu và đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu vệt bài về những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm thực thi quyền con người.

***

Ngày nay, quyền con người được cả thế giới thừa nhận là một khái niệm toàn cầu. Theo cách tiếp cận này, việc bảo đảm quyền con người phải mang tính pháp lý quốc tế.

Tại các quốc gia, việc bảo vệ các quyền con người thể hiện qua việc thể chế hóa các quy định pháp lý quốc tế thành pháp luật quốc gia.

quyen-con-nguoi.jpg
Đoàn Việt Nam tại phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 vào ngày 11-10-2022, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).

Tính phổ quát toàn cầu và tính đặc thù quốc gia

Cơ sở của quyền con người hình thành trên giá trị và phẩm giá của mỗi con người, là biểu hiện sự tôn trọng phẩm giá, giá trị của con người. Nhìn một cách tổng quát, cơ sở pháp lý của quyền con người là các điều ước, tập quán quốc tế, các nguyên tắc pháp luật chung được các dân tộc thừa nhận, các phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế và quan điểm của các chuyên gia pháp luật có uy tín. Trong đó, cơ sở quan trọng nhất là Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và các điều ước quốc tế về quyền con người.

Quyền con người được công nhận một cách phổ quát trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế như Hiến chương LHQ năm 1945 (Charter of the United Nations), Tuyên bố chung về quyền con người năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 (ICESCR), Tuyên ngôn về quyền của những người thuộc nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 (Declaration on the Rights of Persons Belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities), Tuyên bố Vienna về quyền con người năm 1993 (Vienna Declaration on Human rights) và Tuyên bố Bangkok năm 1993 (Bangkok Declaration). Tuy vậy, không phải dễ để đưa ra những tiêu chuẩn quyền con người cụ thể cho một quốc gia.

Ở cấp độ quốc tế, chúng ta tạm thời chấp nhận những tiêu chuẩn quyền con người mang tính phổ quát toàn cầu. Ở cấp độ của từng quốc gia, quyền con người vẫn có những đặc thù riêng bởi quyền con người không thể tách rời các yếu tố chính trị, văn hóa và đặc trưng xã hội của quốc gia đó. Do đó, vấn đề có tính pháp lý đặt ra là bên cạnh việc gia nhập các điều ước quốc tế thì từng quốc gia phải cố gắng nội luật hóa các công ước này vào pháp luật quốc gia nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa tính phổ quát và tính đặc thù.

quyền con người
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (giữa) dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao khóa 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva. Ảnh: TTXVN

Cam kết bảo vệ quyền trẻ em từ rất sớm

VN cũng đã phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. So với nhiều nước phát triển trên thế giới, VN không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người.

Mỹ hiện là nước duy nhất chưa phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em năm 1989 (CRC). Trong khi đó, VN là thành viên đầu tiên của châu Á và là thành viên thứ hai trên thế giới phê duyệt công ước này.

Việt Nam hòa nhịp rất sớm trong bảo vệ quyền con người

Trên thế giới, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) và Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 (viết tắt là UDHR) được coi là Bộ luật quốc tế về quyền con người, được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban Nhân quyền, độc lập với Hội đồng Nhân quyền của LHQ.

Năm 1977, Việt Nam (VN) gia nhập LHQ và chỉ năm năm sau đó, VN đã gia nhập ICCPR và ICESCR (cùng vào ngày 24-9-1982). So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc gia nhập ICCPR và ICESCR của VN là tương đối sớm.

Tính đến năm 2023, VN đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người bao gồm: Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác A-pac-thai; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước quốc tế về các kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống lại nhân loại; Công ước về xóa bỏ tất cả hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW).

Trong thời gian qua, VN đã có những nỗ lực đáng kể trong thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của các công ước này. Bên cạnh đó, VN cũng tích cực nội luật hóa các công ước quốc tế này. Có thể nói VN thể hiện nỗ lực rất lớn khi đã nội luật hóa hầu hết các quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế vào pháp luật quốc gia.

p6_bai 1_anh ra trang 1_nhan quyen_binh ngo.png
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và Đoàn Việt Nam cùng Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền năm 2023 và một số Đại sứ các nước tại phiên bế mạc Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền. Ảnh: TTXVN

Nỗ lực tương thích với pháp luật quốc tế về quyền con người

Tuy nhiên, việc ghi nhận và bảo đảm quyền con người tại VN vẫn còn gặp không ít thách thức. Cụ thể, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận bảo đảm quyền con người ở VN hiện nay trong một số trường hợp là chưa đầy đủ so với các công ước quốc tế về quyền con người mà VN tham gia.

Pháp luật VN hiện nay vẫn chưa có quy định về một số quyền con người đã được ghi nhận trong công ước quốc tế. Đó là các quyền không bị bắt làm nô lệ và nô dịch (Điều 8 ICCPR); quyền không bị bỏ tù vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (Điều 11 ICCPR); quyền thành lập, gia nhập công đoàn (Điều 22 ICCPR, Điều 8.1 ICESCR). Trong các công ước trên thì các quyền như tự do đi lại, cư trú được thừa nhận là quyền con người, lẽ tất nhiên, mọi người đều được hưởng. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 mới chỉ thừa nhận các quyền trên dành cho công dân với tính chất là quyền công dân.

VN đã có quy định về quyền lập hội, quyền biểu tình. Cụ thể, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Với xu hướng phát triển của nền dân chủ và là quốc gia yêu chuộng hòa bình, VN ngày càng thể hiện quyết tâm trong việc công nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Dĩ nhiên, bên cạnh thành tựu nội luật hóa đã đạt được, chúng ta vẫn còn có điểm hạn chế nhất định. Quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, các quy phạm quốc gia sẽ dần được quy định phù hợp với tất cả công ước quốc tế về quyền con người mà VN tham gia.

Bổ sung quy phạm, bảo đảm thực thi quyền con người

Theo các công ước quốc tế thì tự do tôn giáo là một quyền rất quan trọng của con người. Nội luật hóa các công ước trên, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 ghi nhận và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của con người.

Để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của con người thì cần thiết phải có quy phạm pháp luật xử lý những hành vi ngăn cản hoặc ép buộc một người thực hiện quyền tự do tôn giáo. Điều 164 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm