Tư tưởng nhân quyền xuyên suốt của người Việt

(PLO)- Cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long góp phần khẳng định tư tưởng nhân quyền, quyền con người của người Việt đã có từ thời xa xưa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-8, tạp chí Xưa Và Nay đã tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long của hai tác giả TS - luật sư (LS) Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, pháp luật, trong đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - hai “cây đa cây đề” trong học giới nay đã hơn 100 tuổi.

Đi tìm đáp án cho hai câu hỏi lớn

Như đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trước đó, một trong những lý do khiến TS-LS Phan Đăng Thanh nghiên cứu sâu về hai bộ cổ luật Việt Nam đó là qua một số nghiên cứu ban đầu, ông nhận thấy trước giờ có nhiều người đã nhận xét chưa đúng, chưa công bằng về Bộ luật Gia Long. Điều này đã thôi thúc ông phải tìm ra đáp án cho hai câu hỏi lớn: Thứ nhất, Bộ luật Gia Long có copy nguyên xi luật của nhà Thanh (Trung Quốc) mà không hề có sáng tạo gì hay không? Thứ hai, Bộ luật Gia Long có xóa bỏ những điểm tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức?

Hai tác giả Tiến sĩ - Luật sư Phan Đăng Thanh và Luật sư Trương Thị Hòa tại buổi giới thiệu sách sáng 19-8. Ảnh: Di LINH

Hai tác giả Tiến sĩ - Luật sư Phan Đăng Thanh và Luật sư Trương Thị Hòa tại buổi giới thiệu sách sáng 19-8. Ảnh: Di LINH

Cuốn sách có giá trị cao về học thuật nhưng lại rất đại chúng

Dưới góc độ bạn đọc, tôi cho rằng một trong những mục tiêu lớn khi phát hành sách là cuốn sách phải đến được với công chúng. Do đó phải làm sao để ngoài yếu tố học thuật, cuốn sách phải đủ sức hấp dẫn bạn đọc đại chúng. Cuốn Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long của hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa đã đáp ứng được điều đó.

Độc giả PHAN NHƠN

Quá trình đi tìm câu trả lời và bây giờ khi đã xuất bản thành sách, TS-LS Phan Đăng Thanh cho biết ông đã nghiên cứu, sử dụng rất nhiều tài liệu, trong đó cuốn Hoàng Việt luật lệ - một cách tiếp cận mới của tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, xuất bản năm 2019 (trước đó nữa là luận án tiến sĩ với nội dung “So sánh Bộ luật Gia Long với Đại Thanh luật lệ”) được sử dụng là một trong những căn cứ để ông đưa ra các nhận định khác biệt, đi ngược lại với nhiều nhận định trước đây.

Từ đó, hai tác giả đã nghiên cứu, so sánh và trình bày kỹ càng trong cuốn sách, rằng Bộ luật Hồng Đức là bộ luật Việt Nam đầu tiên đề cao nhân quyền với 24 quyền như quyền sống, quyền bình đẳng, quyền hôn nhân tự nguyện… Còn Bộ luật Gia Long thì đã kế thừa và phát triển giá trị nhân quyền của Bộ luật Hồng Đức thể hiện qua nhiều điều luật cụ thể với 23 loại quyền. Đó là các quyền dân tộc tự quyết, quyền được sống, quyền của phụ nữ… và nhiều quyền khác.

Quang cảnh buổi tọa đàm, giới thiệu sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long của hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa. Ảnh: DI LINH

Quang cảnh buổi tọa đàm, giới thiệu sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long của hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa. Ảnh: DI LINH

“Chúng tôi cho rằng cần phải nhìn nhận đúng giá trị thực của Bộ luật Gia Long để bình luận khách quan, khoa học và trả lại sự công bằng cho Bộ luật Gia Long. Bộ luật Hồng ĐứcBộ luật Gia Long đều xứng đáng là cột mốc lịch sử, một đóng góp quan trọng của dân tộc Việt Nam vào giá trị nhân quyền cao quý của nhân loại” - TS-LS Phan Đăng Thanh chia sẻ.

Chia sẻ thêm, LS Trương Thị Hòa nói: “Cuốn sách của chúng tôi không phê phán mà chỉ nêu quan điểm về những điều mà trước nay nhiều người đã đánh giá chưa đúng, chưa công bằng về Bộ luật Gia Long mà thôi”.

"Chúng ta có quyền tự hào về tư tưởng nhân quyền" của người Việt

Từ Hà Nội bay vào dự buổi tọa đàm hôm 19-8, TS Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ sau khi học tiến sĩ ở ĐH Vũ Hán (Trung Quốc), có một điều mà bà thắc mắc là khi học về Bộ luật Gia Long tại Việt Nam thì có rất ít những nhận xét tích cực (mà một trong số đó là bản dịch tiếng Việt đầu tiên của Bộ luật Gia Long). Thế nhưng không có nghiên cứu nào đưa ra dẫn chứng cụ thể. Do đó, luận án tốt nghiệp ĐH Vũ Hán của TS Nguyễn Thị Thu Thủy là để giải đáp cho sự băn khoăn trên.

Về mặt cảm quan, TS Thủy cho rằng nếu chỉ nhìn về mặt văn bản giữa Bộ luật Gia LongĐại Thanh luật lệ thì có đến hơn 90% là giống, từ tên gọi, kết cấu đến cách thức phân chia điều luật, thậm chí là tên gọi điều luật.

Cuốn sách "Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long". Ảnh: DI LINH
Cuốn sách "Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long". Ảnh: DI LINH

“Sao chép là có, thế nhưng nói “sao chép nguyên xi, mù quáng” thì là không. Về mặt nội hàm nói chung, tinh thần điều luật là có sao chép nhưng nhà Nguyễn đã chỉnh sửa, xử lý tinh tế để bộ luật phù hợp với thực tiễn Việt Nam” - TS Thủy khẳng định.

Xét về kỹ thuật lập pháp thì Đại Thanh luật lệ được đánh giá rất cao, bởi không chỉ có luật mà còn có lệ. Đại Thanh luật lệ cũng chia ra nhiều mảng, tức là không còn chuyên về hình luật, có nhiều điều luật liên quan đến dân sự.

Do đó, TS Thủy đánh giá việc luật pháp Việt Nam thời đó chịu ảnh hưởng luật nhà Thanh, nhất là mặt kỹ thuật lập pháp thì không có vấn đề gì lớn, bởi luật nước nào thì cũng có giá trị chung hướng tới, đó là ứng xử giữa con người với con người.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy (trái) cùng hai tác giả Tiến sĩ - Luật sư Phan Đăng Thanh và Luật sư Trương Thị Hòa. Ảnh: DI LINH

TS Nguyễn Thị Thu Thủy (trái) cùng hai tác giả Tiến sĩ - Luật sư Phan Đăng Thanh và Luật sư Trương Thị Hòa. Ảnh: DI LINH

Về câu hỏi Bộ luật Gia Long có thực sự gạt bỏ đi điểm tiến bộ của Bộ luật Hồng Đức hay không thì luận án của TS Thủy đã thống kê, so sánh các điều luật giữa hai bộ luật để chứng minh về số lượng điều luật đã có sự giữ lại và phát triển.

Cụ thể, những điều luật về bảo vệ trẻ em, người già, người tàn tật… vẫn được giữ lại. Bên cạnh đó, có những điều luật của Bộ luật Gia Long có mà Bộ luật Hồng Đức không có, như quy định về bảo vệ đê điều. “Tất cả những điều này thể hiện sự kế thừa và phát triển Bộ luật Hồng Đức của Bộ luật Gia Long” - TS Thủy chia sẻ.

TS Thủy cũng đánh giá cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long là sự nối dài nhiều hơn nữa về những bằng chứng để đưa ra nhận định về tính kế thừa, phát triển của Bộ luật Gia Long. “Qua đó, chúng ta có quyền tự hào về vấn đề nhân quyền của người Việt Nam, bằng cách này hay cách khác đã có từ thời xa xưa” - TS Thủy nói.

Một cuốn sách mang đến nhiều giá trị

Có mặt tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc thư viện Viện Sử học, cho biết khi cầm trên tay cuốn Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long, ông đã mường tượng công sức để tạo ra gần 400 trang sách là lớn như thế nào. “Đây không chỉ cuốn sách của thể loại nghiên cứu mà hơn nữa đây là kết quả của lòng yêu quý tài sản quốc gia, trân trọng tri thức mà cha ông để lại và cao hơn nữa đó chính là lòng yêu nước, lòng yêu dân tộc của hai tác giả” - TS Tâm nhận xét.

Cũng theo TS Tâm, nội dung mà cuốn sách đề cập đã bám sát với thực tiễn thế giới, đồng thời cho chúng ta thấy được giá trị cốt lõi, giá trị nhân văn, nhân bản của hai bộ cổ luật. Đặc biệt là việc nhấn mạnh Bộ luật Gia Long không chỉ kế thừa những điểm tiến bộ của triều Hậu Lê mà theo như tác giả viết, một số quyền con người của Bộ luật Gia Long có khuynh hướng phát triển tiến bộ hơn, cao hơn.

Điều này cũng được thể hiện trong lời giới thiệu đầu sách mà nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã viết.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu - người đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long. Ảnh: TRẦN LINH

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu - người đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long. Ảnh: TRẦN LINH

Có mặt tại buổi giới thiệu sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết lâu nay nhiều nhà nghiên cứu thường nhận định Bộ luật Gia Long chỉ là công trình sao chép luật nhà Thanh, đồng thời Bộ luật Gia Long đã xóa bỏ tất cả định chế tiến bộ mang tính dân tộc của Bộ luật Hồng Đức.

Thế nhưng trong cuốn sách này, tác giả phân tích, dẫn chứng từng điều luật, điều lệ cụ thể… để chứng minh, rằng Bộ luật Gia Long không những kế thừa giá trị nhân quyền của Bộ luật Hồng Đức mà còn phát triển một số nhân quyền truyền thống ở trình độ cao hơn.

“Cũng có thể nói quyển sách này như một bài bào chữa về cơ bản là có sức thuyết phục, tham gia bảo vệ trước tòa án lịch sử dân tộc cho Bộ luật Gia Long đã bị phê phán hàng thế kỷ qua. Dường như lâu nay Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) đã gánh chịu hàm oan” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận xét.

“Đừng dạy Việt Nam về nhân quyền!”

Ông Nam Đồng (trái) và ông Phạm Phú Tâm (phải) - hai nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: DI LINH

Ông Nam Đồng (trái) và ông Phạm Phú Tâm (phải) - hai nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: DI LINH

Tôi rất tâm đắc với nội dung cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long của LS Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa. Cùng với những công trình nghiên cứu của nhiều học giả khác, cuốn sách góp phần khẳng định tư tưởng nhân quyền/quyền con người của người Việt đã có từ rất lâu đời.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đánh giá rất cao về nội dung cuốn sách, về những cứ liệu lịch sử để khẳng định ông cha ta từ xưa đã rất coi trọng nhân quyền. Tư tưởng ấy đã được kế thừa và phát huy xuyên suốt cho đến hôm nay. Vì vậy, đừng ai ngạo mạn lên tiếng dạy Việt Nam về nhân quyền!

Ông PHẠM PHÚ TÂM, nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm