Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Cảnh Sảng mới đây ngang ngược nói: “TQ có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực bãi Tư Chính ở kế đó. Điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý”.
PGS-TS Vũ Thanh Ca, ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VN), nhận định: “Giống như trước đây, lập luận lần này của ông Cảnh Sảng rất mơ hồ và hoàn toàn không có cơ sở, cả về khía cạnh lịch sử lẫn góc độ pháp lý”.
Pháp lý: Lập trường TQ rất ngớ ngẩn
. Phóng viên: Về mặt pháp lý, việc TQ nói có quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực bãi Tư Chính vô lý như thế nào?
+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, một vùng bãi ngầm, thậm chí là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (tức là nổi lên khi triều thấp và chìm xuống khi triều cao), không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền. Như vậy, chế độ pháp lý của bãi ngầm Tư Chính cũng như các bãi ngầm và bãi cạn lúc nổi lúc chìm trên biển chỉ phụ thuộc vào khoảng cách tới bờ biển (hoặc bờ đảo) của các quốc gia lân cận.
Nếu khu vực bãi ngầm nằm trong khoảng cách 200 hải lý tới bờ biển của quốc gia gần nhất, nó sẽ thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia đó. Nếu nó nằm trong khoảng cách 350 hải lý tới bờ biển của quốc gia gần nhất và địa hình đáy biển thoải dần ra bên ngoài, nó sẽ thuộc vùng thềm lục địa của quốc gia đó. Nếu bãi ngầm nằm trong khoảng cách nêu trên của cùng lúc hai quốc gia, nó sẽ thuộc vùng biển chồng lấn của hai quốc gia này và cần được đàm phán để phân định ranh giới biển.
Nếu bãi ngầm nằm cách bờ biển của một quốc gia với một khoảng cách trên 350 hải lý hoặc một khoảng cách nhỏ hơn 350 hải lý và lớn hơn 200 hải lý nhưng bãi ngầm bị ngăn cách với bờ bằng ít nhất một rãnh sâu với đáy biển đột nhiên sụt xuống thì bãi này sẽ không liên quan gì tới quốc gia này.
Bãi ngầm Tư Chính nằm cách bờ biển Vũng Tàu của VN khoảng 160 hải lý trong khi cách bờ đảo Hải Nam của TQ trên 600 hải lý. Như vậy, theo quy định của luật pháp quốc tế, bãi này hoàn toàn thuộc EEZ và thềm lục địa VN, không liên quan tới TQ.
. Vì sao gần đây TQ lại gắn Tư Chính với quần đảo Trường Sa trong khi trước đây TQ thường không lập luận như vậy?
+ Trước đây, lý luận của TQ khi tranh chấp với VN tại khu vực bãi Tư Chính là khu vực này nằm trong phạm vi đường chín đoạn hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa” mà TQ đang tuyên bố chủ quyền trái phép. Các học giả TQ khi nói về đường chín đoạn cũng lý luận rất mù mờ về “quyền lịch sử” và không một ai trên thế giới hiểu rằng theo cách diễn giải của TQ, cơ chế pháp lý của vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” là gì, nó là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa?
Tàu Trung Quốc thường tiến hành hù dọa để làm các nước lo sợ và tự từ bỏ biển Đông. Ảnh: GETTY
Phát ngôn của ông Cảnh Sảng mơ hồ và vô lý. Ảnh: T.TRANG
Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: (1) Không có cơ sở pháp lý để TQ yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn và (2) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.
Có thể thấy rằng TQ đã nhận ra rằng yêu sách đường chín đoạn quá ngớ ngẩn và không thể lừa ai. Vì vậy, lần này Cảnh Sảng đã gắn bãi Tư Chính với quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Lập luận này cũng hoàn toàn đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế. Chú ý rằng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực là một phần của luật pháp quốc tế. Như vậy, theo luật pháp quốc tế, đường chín đoạn là phi pháp và không tồn tại cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa” như cách nói của TQ nên bãi Tư Chính thuần túy thuộc VN. Ngược lại, TQ không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính là vùng tranh chấp hay vùng nước thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ.
Trung Quốc muốn bắt nạt để trục lợi COC Hiện nay, TQ đang cùng các nước ASEAN thảo luận để thống nhất ký kết Bộ quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC). Trong dự thảo của TQ, nước này đề xuất là các nước trong khu vực biển Đông không được phép hợp tác với các nước ngoài khu vực để khai thác tài nguyên biển Đông. Biết rằng quy định này trái với luật pháp quốc tế nên TQ tăng cường sức ép trên thực địa để các quốc gia ASEAN thấy rằng nếu không thuận theo TQ thì không thể khai thác được tài nguyên trên biển Đông. Như vậy, TQ mưu đồ dùng sức mạnh để bắt nạt các nước trong khu vực nhằm dễ bề thao túng, chiếm đoạt tài nguyên của các nước xung quanh biển Đông trong tương lai. PGS-TS VŨ THANH CA |
Lịch sử: TQ ngụy tạo chứng cứ
. Luật quốc tế vốn cũng bác cái mà TQ gọi là quyền lịch sử. Dù vậy, nếu xét đơn thuần ở khía cạnh lịch sử thì lý lẽ của TQ như thế nào?
+ Nhà báo, học giả người Anh Bill Hayton gần đây đã viết rất nhiều về những sai lầm và ngụy tạo của TQ cho cái mà TQ gọi là “chủ quyền lịch sử trên biển Đông”. Theo các nghiên cứu của Bill Hayton, trước đây TQ không có phương tiện, thiết bị nào để khảo sát và biết được các bãi ngầm ở biển Đông. Do vậy, TQ đã dịch và đặt tên cho các thực thể địa lý trên biển Đông bằng cách dịch các bản đồ nước ngoài và gán tên TQ cho nó.
Tên tiếng Anh của bãi Tư Chính là Vanguard Bank. Khi TQ dịch nó ra tiếng Hoa, họ không biết bãi này ở đâu và ra sao, cứ nghĩ đây là một bãi cát nổi (Bank) nên gọi nó là bãi Vạn An. Cái nhầm lẫn ngớ ngẩn này đã làm cho TQ tưởng rằng họ đã có “chủ quyền lịch sử” đối với bãi Tư Chính từ ngàn xưa.
Về mặt lịch sử, TQ xưa kia là quốc gia hướng về nội địa. Từ khi VN xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỷ 16 cho tới đầu thế kỷ 20, TQ không có bất cứ động thái nào để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này. Phán quyết của tòa năm 2016 cũng nêu rõ có thể trong lịch sử, một số quốc gia có thực hiện đánh cá và một số hoạt động kinh tế khác trên một vùng biển. Tuy nhiên, cái gọi là “quyền lịch sử” của quốc gia đó từ khi UNCLOS ra đời chỉ được giới hạn trong vùng biển mà quốc gia đó được phân định theo UNCLOS. Như vậy, về mặt lịch sử, TQ cũng không có bất cứ cơ sở nào để nói TQ có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
. Xin cám ơn ông.
Lập trường lịch sử và pháp lý của Việt Nam . So sánh với phát ngôn của Cảnh Sảng, lập trường về vấn đề lịch sử và pháp lý của VN đối với biển Đông như thế nào? + Các bằng chứng lịch sử từ cuối thế kỷ 16 tới nay đã khẳng định rằng Nhà nước VN và sau đó là nhà nước thực dân Pháp thay mặt quốc gia bị đô hộ VN đã xác lập chủ quyền, quản lý một cách lâu dài, hòa bình và liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, VN sẵn sàng cùng các quốc gia liên quan có tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đàm phán, giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Quan điểm của VN là không để tình hình tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ảnh hưởng tới quan hệ giữa VN và các nước liên quan, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không và phát triển bền vững biển Đông. Tuy vậy, VN sẵn sàng chống trả những quốc gia nào bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ VN. |