Trong cuộc họp báo ngày 18-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Cảnh Sảng ngang ngược nói rằng TQ có chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính ở gần đó (nguyên văn phía TQ gọi là quần đảo Nam Sa và bãi Wan’an Tan - PV). Đồng thời Cảnh Sảng khẳng định lập trường này của TQ có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý, theo website Bộ Ngoại giao TQ.
Phản ứng của TQ diễn ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng: “Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát Địa chất hải dương 8 của TQ tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Hành vi ngày càng nguy hiểm
Nhận định về cách hành xử hung hăng kéo dài từ đầu năm đến nay của TQ ở biển Đông, TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM, nhận định: “TQ lặp đi lặp lại luận điệu sai lệch nhằm ngoan cố theo đuổi ý đồ độc chiếm biển Đông, vốn đã kéo dài nhiều thập niên qua. Mở đầu chính là việc TQ khoanh vùng, đưa yêu sách đường chín đoạn (đã bị Tòa Trọng tài bác vào năm 2016). Tiếp đó, Bắc Kinh đẩy mạnh chiếm, bồi lấp, cải tạo các đảo nhân tạo phi pháp từ năm 2013. “Đó là những bàn đạp, tạo ra cơ sở về hậu cần, kỹ thuật cho các hoạt động của tàu thuyền, máy bay của TQ chiếm biển” - ông Phước nói.
Điểm đáng chú ý là càng về sau này TQ càng mở rộng phạm vi, mức độ hành vi sai phạm. Bằng chứng là những gì xảy ra trên thực địa từ nhiều tháng qua: TQ không chỉ có phát ngôn mà còn cử tàu chiến, tàu cảnh sát biển, tàu dân quân biển, tàu khảo sát địa chất… để gây hấn với hàng loạt nước khu vực biển Đông như Malaysia, Philippines, Việt Nam. Thậm chí TQ không ngại đe dọa, cản trở bên thứ ba như Mỹ, Úc, Anh tiếp cận khu vực.
“Trước đây TQ muốn biến các vùng biển của nước khác thành vùng biển có tranh chấp. Còn bây giờ Bắc Kinh ngang ngược khẳng định đó là biển của mình, không có tranh chấp với ai cả. Thế nên khi gặp phản ứng mạnh, ví dụ sự cương quyết từ phía Việt Nam, Bắc Kinh vẫn đeo bám và không rút tàu. Họ muốn nói rằng đó là biển của họ, họ thích đến thì đến chứ không ai được quyền cản” - chuyên gia Ngô Hữu Phước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Phước, trước đây TQ tập trung bảo vệ khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trái phép, còn bây giờ TQ lại đẩy mạnh lập trường đảo nhân tạo do họ xây được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Điều đó là vô lý khi tham chiếu luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS, nhưng TQ vẫn cứ làm. Ý đồ của họ là “cái sai nói mãi, làm mãi sẽ trở thành cái đúng”.
“Các chuyển biến về mặt chiến thuật nói trên đều nằm trong tính toán của TQ. Tôi nghĩ bản thân họ biết rằng hành xử của họ là sai nhưng họ lấy cái sai này để đè lên cái sai khác. Mà sự sai trái của TQ ngày càng nguy hiểm hơn, đáng báo động hơn” - ông Phước nói.
Người dân Philippines phản đối hành vi của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: AFP
Muốn các nước mệt mỏi và từ bỏ
Về thông tin phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao TQ cáo buộc Việt Nam vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) và UNCLOS, ThS Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu biển Đông, ĐH Luật TP.HCM, khẳng định: “TQ cố ý diễn giải sai lệch luật pháp quốc tế để tiến hành các hành vi sai trái”.
Theo ông Việt, TQ cho rằng các hoạt động dầu khí của Việt Nam làm “phức tạp tình hình”, qua đó vi phạm DOC. “Lập luận này của Bắc Kinh là cách suy diễn hoàn toàn lệch lạc. Khái niệm “hành vi làm phức tạp tình hình” chỉ áp dụng cho các vùng biển có tranh chấp. Hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam hoàn toàn nằm trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam chiếu theo UNCLOS năm 1982 mà TQ cũng là thành viên. TQ muốn biến các vùng biển Việt Nam thành vùng biển tranh chấp nên viện dẫn rất vô lý đến quy định DOC” - ông Việt khẳng định.
Trung Quốc “rất ngại” dư luận quốc tế Bắc Kinh nói họ không ngại dư luận nhưng thực tế thì ngược lại. Bằng chứng là nước này luôn tìm cách lôi kéo dư luận quốc tế đứng về phía họ, dù thực tế ý đồ này không phải dễ dàng khi họ vi phạm các nguyên tắc cơ bản luật pháp quốc tế. Vì vậy, phải đẩy mạnh công tác truyền thông để dư luận quốc tế can dự vào biển Đông. ThS HOÀNG VIỆT, chuyên gia nghiên cứu biển Đông, ĐH Luật TP.HCM Liên tục tuyên truyền rộng rãi về hành vi, ý đồ của Trung Quốc Báo chí và truyền thông Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành vi, ý đồ của TQ liên tục, lâu dài. Hiện nay, tôi thấy đa số cơ quan tuyên truyền chỉ làm theo thời vụ, tức là khi TQ có hành động thì mới viết. Trong khi đó, TQ họ nói ra rả, nói trên nhiều phương tiện, nhiều ngôn ngữ. Luận điệu không đổi nhưng nói hoài người khác có thể sẽ tin. Vậy nên, dù có sự kiện hay không cũng hay kiên trì, sáng tạo đưa thông tin: Lập trường Việt Nam, cái sai của TQ, quan điểm hợp pháp của bên thứ ba. TS NGÔ HỮU PHƯỚC, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM |
Từ việc diễn dịch sai, TQ tiến hành các hành vi sai như thời gian qua. Theo ông Việt, Bắc Kinh muốn tái diễn kịch bản bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm từ Philippines năm 2012. “Một mặt TQ né tránh chiến tranh vũ trang, giữ “vùng xám” nhưng mặt khác nước này đe dọa chiến tranh với các nước trong khu vực” - ông Việt nói.
Chuyên gia này nói thêm: TQ có hai mục tiêu khi tiến hành các hành động gây hấn, đe dọa, xâm phạm biển các nước một cách trái phép từ đầu năm đến nay. Một là TQ muốn dư luận quốc tế nói chung và dư luận ASEAN nói riêng quen dần với việc bị tàu TQ xâm phạm. Hai là TQ hy vọng các nước trong khu vực sẽ mệt mỏi khi phải đối phó lâu dài với sự hiện diện ngày càng nhiều và phức tạp của các đội tàu TQ.
Không để Bắc Kinh hù dọa Nhận định về đối sách của Việt Nam, TS Ngô Hữu Phước cho rằng lập trường, cách tiếp cận trên cả phương diện ngoại giao, thực địa cho đến nay là hợp lý. “Thứ nhất, Việt Nam hành xử phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải. Thứ hai, hành xử của Việt Nam phù hợp UNCLOS” - ông Phước giải thích. Tuy nhiên, ông Phước lưu ý: “Cần phải duy trì sự cương quyết đối với các hoạt động hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông, nhất là những nơi bị TQ đe dọa. TQ chờ đợi chúng ta sợ hãi và chùn bước, vậy nên tuyệt đối không để sập bẫy TQ”. Để làm điều này, cần động viên ngư dân đeo bám biển, đồng thời duy trì các hoạt động khai thác tài nguyên. Thậm chí phải đẩy mạnh các hoạt động này bằng cách kêu gọi các nước khác cùng tham gia hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế. “Càng nhiều nước hiện diện thì tiếng nói quốc tế càng mạnh, dư luận quốc tế càng chú ý thì TQ càng khó hành xử vô lý” - ông Phước phân tích. Trong khi đó, chuyên gia Hoàng Việt khẳng định hành động hiện nay của các nước chưa đủ để khiến TQ ngừng bước. Thứ nhất, cần phải có một mối liên kết mạch lạc hơn trong ASEAN, đặc biệt là Malaysia, Philippines và Việt Nam, để đối trọng tham vọng TQ. Bên cạnh đó, các giải pháp về pháp lý rất cần thiết được triển khai. “Nhiều người nói phán quyết của tòa năm 2016 không có cơ chế thực thi nên không làm gì được TQ và Bắc Kinh không lo ngại. Hiểu như vậy là sai. TQ đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó bao gồm cả một báo cáo hơn 500 trang để chống lại phán quyết của tòa. TQ còn đe dọa các nước để họ không ủng hộ phán quyết. Thậm chí gần đây TQ bàn giải pháp khai thác chung với Philippines thay vì tuyên bố chiếm hết vùng biển này như trước đây. Điều đó cũng cho thấy Bắc Kinh dù không công nhận nhưng rất ngại phán quyết này” - ông Việt lý giải. |