Bế tắc vốn ở dự án thủ đô mới 34 tỉ USD nhằm 'giải cứu' Jakarta đang chìm

(PLO)- Dự án dời thủ đô của Indonesia vẫn đang bế tắc vì chưa tìm được đầu tư để thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đông đúc, ô nhiễm và có nguy cơ 1/3 diện tích sẽ nước biển nhấn chìm vào năm 2050, thủ đô Jakarta của Indonesia cần được “giải cứu” bằng cách giãn mật độ dân số. Đó là một trong những lý do quan trọng để chính phủ Indonesia quyết tâm thực hiện dự án xây dựng thủ đô mới, có tên gọi Nusantara, nằm trên đảo Borneo.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất hiện nay là Tổng thống Joko Widodo vẫn chưa nhận được cam kết đầu tư mang tính ràng buộc pháp lý nào của nhà đầu tư nước ngoài.

Tầm nhìn, dấu ấn của Tổng thống Widodo

Với những thiết kế văn phòng sáng loáng, xe buýt điện và những cư dân làm việc trong những ngành công nghệ, hóa dầu và năng lượng tái tạo, Nusantara, thủ đô mới của Indonesia, được kỳ vọng trở thành một đô thị hiện đại kiểu mẫu, nằm giữa một khu rừng nhiệt đới rộng lớn trên đảo Borneo. Các dự án hạ tầng tầm cỡ như Nusantara cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phối cảnh dinh tổng thống ở thủ đô mới Nusantara trên đảo Borneo của Indonesia. Ảnh: CAMPAIGN ASIA

Phối cảnh dinh tổng thống ở thủ đô mới Nusantara trên đảo Borneo của Indonesia. Ảnh: CAMPAIGN ASIA

Ngoài việc muốn để lại dấu ấn di sản, Tổng thống Widodo có những lý do thiết thực để thúc đẩy dự án thủ đô mới. Nằm trải dài trên bờ biển phía tây bắc của đảo Java, thành phố thủ đô Jakarta, nơi sinh sống của hơn 10,6 triệu người và chiếm 16,5% GDP của Indonesia, quá đông đúc, ô nhiễm và chìm nhanh đến mức 1/3 diện tích của nó được dự báo sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2050 nếu tình hình biến đổi khí hậu không được kiểm soát.

Quy hoạch đô thị yếu kém và nhiều thập niên khai thác nước ngầm dưới lòng đất khiến Jakarta dễ bị lũ lụt nghiêm trọng. Lũ lụt được dự báo sẽ tồi tệ hơn khi khí hậu ngày càng nóng thêm. Bằng cách di dời trung tâm hành chính từ Jakarta đến đảo Borneo, cách xa hơn gần 1.300 km về phía đông bắc, Indonesia hy vọng sẽ giải cứu thủ đô hiện nay khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu.

Indonesia đặt mục tiêu chuyển 1,9 triệu người dân đến Nusantara vào năm 2045, và một số công chức có thể đến thủ đô mới vào năm 2024 nếu dự án triển khai đúng kế hoạch tiến độ. Giãn mật độ dân cư ở Jakarta sẽ giúp giảm sức ép ngày càng gia tăng đối với các nguồn lực, cho phép thành phố này tiếp tục hoạt động như một trung tâm thương mại kinh doanh của đất nước. Điều này cũng có thể giúp phân bổ thịnh vượng đồng đều hơn cho hơn 275 triệu người dân. Hiện nay, phần lớn sự thịnh vượng của đất nước tập trung ở đảo Java, nơi thủ đô Jakarta tọa lạc.

Dự án thủ đô mới cũng được kỳ vọng đưa Indonesia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2040, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Indonesia. Một nhà thầu địa phương đã được thuê để xây dựng dinh tổng thống, nơi ông Widodo dự kiến tổ chức lễ kỷ niệm 79 năm quốc khánh của Indonesia vào ngày 17-8-2024.

Nhà đầu tư nước ngoài thận trọng

Có thể thấy dự án thủ đô Nusantara chứa đựng rất nhiều kỳ vọng, chí ít theo những gì tài liệu của chính phủ mô tả. Tuy nhiên câu hỏi chưa được giải đáp là Indonesia sẽ tìm đâu ra 34 USD để triển khai dự án này.

Chính phủ Indonesia có kế hoạch tự chi trả cho giai đoạn đầu tiên trong số năm giai đoạn phát triển của dự án Nusantara, song nguồn vốn cung cấp 4 giai đoạn sau vẫn chưa thấy đâu.

Dự án thủ đô mới Nusantara mà Tổng thống Joko Widodo đang tâm huyết thực hiện tọa lạc ở khu rừng nhiệt đới trên đảo Borneo, Dự án sẽ giúp giãn mật độ dân cư ở Jakarta, nơi đang có hơn 10 triệu người sinh sống và có nguy cơ 1/3 diện tích chìm dưới nước biển vào năm 2050. Ảnh: NIKKEI ASIA / REUTERS

Dự án thủ đô mới Nusantara mà Tổng thống Joko Widodo đang tâm huyết thực hiện tọa lạc ở khu rừng nhiệt đới trên đảo Borneo, Dự án sẽ giúp giãn mật độ dân cư ở Jakarta, nơi đang có hơn 10 triệu người sinh sống và có nguy cơ 1/3 diện tích chìm dưới nước biển vào năm 2050. Ảnh: NIKKEI ASIA / REUTERS

Theo hãng tin Bloomberg, hơn ba năm sau khi dự án Nusantara được công bố, chưa có bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào ký kết một hợp đồng mang tính ràng buộc pháp lý để tài trợ cho dự án.

Ông Dedi Dinarto, nhà phân tích của công ty tư vấn kinh doanh chiến lược Global Counsel, nói: “Nhà đầu tư nước ngoài đang cực kỳ thận trọng vì dự án Nusantara vẫn đang ở giai đoạn ban đầu”.

Theo ông Dinarto, phần lớn công việc phát triển ban đầu của dự án tập trung vào các giai đoạn sơ bộ như xây dựng đường xá và cầu cống. Ông cho rằng giới đầu tư có thể vẫn không chắc chắn về cách họ kiếm lợi nhuận hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như vậy. Ngay cả khi hoạt động thi công suôn sẻ, thành quả dành cho nhà đầu tư chỉ đến trong dài hạn.

Ông David Sumual, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Bank Central Asia (Indonesia), cho rằng khi kinh tế thế giới đang bất ổn, trong vài năm tới, ngay cả những nước giàu nhất cũng sẽ ưu tiên cho chương trình đầu tư ở trong nước.

Ông Widodo tích cực tìm kiếm vốn

Ông Widodo đang sốt sắng mời gọi các nhà đầu tư quốc tế tài trợ 80% vốn cho dự án vì nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của ông chỉ còn 18 tháng nữa, nếu không tầm nhìn của ông sẽ vỡ vụn.

Vào đầu năm 2020, ông Masayoshi Son, người sáng lập tập đoàn đầu tư SoftBank của Nhật, là một trong số ít nhà đầu tư nước ngoài sớm bày tỏ sự hào hứng với đề xuất xây dựng một thành phố thân thiện với môi trường được trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ở đảo Borneo. Sau đó, ông đã được mời tham gia hội đồng điều hành dự án Nusantara. Nhưng sau đại dịch COVID-19 ập đến, tất cả các dự án tham vọng trên thế giới, không chỉ là Nusantara, bị hầu hết các nhà đầu tư bỏ ra ngoài tầm ngắm.

Tình hình huy động vốn cho dự án Nusantara trở nên khó khăn hơn vào tháng 3 năm nay khi SoftBank tuyên bố sẽ không tài trợ cho dự án. Hồi tháng 10, Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển đô thị ở nước ngoài của Nhật cũng gác bỏ kế hoạch đầu tư cho dự án.

Khi các nhà đầu tư Nhật rút lui, Tổng thống Widodo đã thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài để tìm kiếm nguồn vốn cho dự án mang dấu ấn của ông. Gần đây, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết sẽ đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia thông qua khoản cam kết 10 tỉ USD hiện tại cho một quỹ đầu tư nhà nước Indonesia. Dù vậy, chưa có hợp đồng ràng buộc nào liên quan đến Nusantara được ký kết.

Ông Widodo cũng thuyết phục được 11,9 tỉ USD từ Nhật và Hàn Quốc trong các chuyến thăm đến hai nước này hồi tháng 7 nhưng không có khoản tiền cụ thể nào được cam kết cho thủ đô mới.

Một số công ty ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và UAE đã ký văn bản ghi nhớ về đầu tư vào dự án Nusantara nhưng chúng không mang tính ràng buộc pháp lý.

Khi được hỏi về tình hình huy động vốn cho dự án thủ đô mới, người phát ngôn của Tổng thống Widodo đã đề cập đến bài phát biểu của ông Widodo hôm 2-12 rằng mối quan tâm đầu tư vào khu vực cốt lõi của Nusantara đã tăng 25 lần. Tuy nhiên bài phát biểu cũng không nói rõ liệu các hợp đồng tài trợ vốn đã được ký kết hay chưa hoặc có mang tính ràng buộc pháp lý hay không.

Tổng thống Widodo đã ra lệnh ưu tiên cấp phép cho các dự án hạ tầng chiến lược như Nusantara. Nhưng các chuyên gia lo ngại thủ đô mới sẽ đối mặt với số phận tương tự như dự án tàu điện ngầm ở Jakarta, vốn ì ạch triển khai trong gần 30 năm do gặp khó khăn trong việc thu hồi đất đai và hạn chế về kinh phí.

Đầu năm nay, Indonesia đã thông qua luật dọn đường cho việc chuyển trụ sở hành chính của đất nước tới Borneo.

“Dự án thủ đô mới nhận được sự ủng hộ chính trị tương đối rộng rãi. Vấn đề không phải là liệu dự án có được triển khai hay không, mà là nó được triển khai nhanh đến mức nào và mức độ tham vọng ra sao”, Peter Mumford, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của công ty vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group, nói.

Một khi thủ đô mới thành hình, việc di chuyển và ổn định có thể mất nhiều thập niên. Di dời người dân, những người cần việc làm, trường học cho con cái và cơ sở chăm sóc y tế ở mức tối thiểu là một thách thức lớn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm