Ngày 7-3, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho biết nơi đây mới tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi 7 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh ngừng tuần hoàn sau khi bị điện giật.
Bệnh nhi được chuyển vào viện trong tình trạng mất ý thức, ngừng thở tím tái toàn thân. Mạch cảnh và mạch bẹn không bắt được, đồng tử hai bên giãn tối đa, mất phản xạ ánh sáng, vết bỏng cháy gan bàn tay phải và ngón 1 bàn chân phải.
Trước đó, bệnh nhi được phát hiện bất tỉnh do điện giật sau khi cắm thìa kim loại vào ổ điện.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán ngừng tuần hoàn hô hấp và được các y bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ. Tuy nhiên sau 60 phút cấp cứu bệnh nhi không có dấu hiệu hồi phục tuần hoàn.
Bác sĩ CKI.Nguyễn Ngọc Tuyền - Phụ trách Đơn nguyên Cấp cứu, cho biết: “Đây là trường hợp trẻ tử vong do điện giật rất đáng tiếc. Nguyên nhân gây điện giật phổ biến nhất ở trẻ nhỏ là do sự vô ý tiếp xúc với dòng điện một cách trực tiếp (cắn, nhai dây điện, đưa tay vào ổ điện, tiếp xúc với chỗ hở của đường điện) hay gián tiếp (nhét những đồ vật bằng kim loại vào ổ điện, vui chơi ở chỗ dò điện....). Dòng điện vào cơ thể gây ra những mức độ tổn thương khác nhau như co cơ, bỏng từ nhẹ tới nghiêm trọng, chấn thương (do trẻ bị ngã sau điện giật) thậm chí gây rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn hô hấp và tử vong".
Bác sĩ cũng khuyến cáo, để tránh tai nạn điện giật ở trẻ nhỏ, phụ huynh cần lưu ý che các ổ cắm bằng nút bịt ổ điện. Thay thế những dây điện đã bị sờn, hỏng và bố trí dây điện trong gia đình khỏi tầm tay trẻ em. Đảm bảo các thiết bị điện trong nhà đều có chứng nhận an toàn sử dụng.
Cạnh đó, cần nhớ rút dây cắm khi không sử dụng, nên sử dụng các thiết bị điện ở những khu vực khô ráo. Khi trẻ ở ngoài trời, lưu ý xem có cột điện đổ hay dây điện trên mặt đất hay không, nhất là sau khi có bão. Giáo dục trẻ nhỏ về tác hại của dòng điện và cách sử dụng điện an toàn.