Chiều 7-3, tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2, liên quan đến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết số bệnh nhân chuyển nặng đang có dấu hiệu hơi tăng sau thời gian giảm dần từ trước tết.
Bà Mai cho hay hệ thống giám sát ca bệnh của TP hằng ngày vẫn cập nhật các ca bệnh và ca chuyển nặng, tử vong theo quy định.
Số ca chuyển nặng có dấu hiệu tăng
Qua phân tích các số liệu thời gian gần đây, bà Mai thông tin, số ca tử vong vẫn đang giảm sâu nhưng số ca chuyển nặng đang có dấu hiệu hơi tăng sau một thời gian giảm dần. Ngành y tế vẫn đang tiếp tục theo dõi sát các ca mắc bệnh mới, số ca bệnh nặng và tử vong để có tính toán kịp thời.
Giữ vững hiệu quả hoạt động phòng chống dịch trong thời gian qua, Sở Y tế sẽ có những giải pháp cụ thể để ứng phó với số ca nhiễm tăng.
Cụ thể, ngành y tế đã có bố trí, sắp xếp lại các cơ sở thu dung điều trị tại quận, huyện, khu chế xuất - khu công nghiệp, bệnh viện, khi cần thiết các đơn vị này sẽ được kích hoạt lại trong vòng 24 giờ.
Bên cạnh đó, ngành y tế và các sở, ngành liên quan cũng tham mưu các giải pháp để giữ vững thành quả phòng chống dịch, đặc biệt là mở cao điểm chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ từ nay đến ngày 31-3. Các cán bộ sẽ đi từng ngõ, gõ từng nhà để cập nhật danh sách, tầm soát người có nguy cơ trên 65 tuổi, có bệnh nền để chủ động phát hiện F0 và cấp thuốc đồng thời thuyết phục người chưa tiêm chủng.
Vừa qua, ngành y tế cũng vừa có hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà để hạn chế lây nhiễm đến người có nguy cơ cao trong gia đình như người già. Theo hướng dẫn này, hộ gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ và có người thuộc nhóm nguy cơ cao thì trẻ sẽ được nhập viện điều trị. Các cơ sở y tế sẵn sàng triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi để tăng hiệu quả bảo vệ đối tượng này.
Ngoài ra, các địa phương cũng được yêu cầu điều chỉnh các biện pháp thích ứng với cấp độ dịch, có giải pháp nâng cao khả năng đáp ứng và tăng tỉ lệ tiêm vaccine.
Ngành y tế TP đã bố trí, sắp xếp lại các cơ sở thu dung điều trị tại quận, huyện, khi cần thiết các đơn vị này sẽ được kích hoạt lại trong vòng 24 giờ. Ảnh: N.NHI
Bộ Y tế vừa đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận bảy loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để BHXH căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc COVID-19. |
Thuốc kháng virus không thiếu, không nên tích trữ
Trước thắc mắc của PV về nguồn thuốc kháng virus Molnupiravir đang được người dân tích trữ vì lo thiếu thuốc, bà Mai khẳng định nguồn thuốc dồi dào và không lo thiếu. Theo bà Mai, hiện nay Bộ Y tế đang cấp phép hoạt động sản xuất thuốc cho ba công ty dược lớn với năng lực 2 triệu viên/tháng và sắp tới chuẩn bị cấp phép cho một loạt công ty, hy vọng giá thuốc sẽ còn giảm nữa.
Bà Mai lưu ý: Thuốc có hạn sử dụng ngắn nên người dân tích trữ sẽ không có lợi. Đây là thuốc sử dụng có điều kiện, có toa thuốc hướng dẫn của các cơ sở y tế.
Trước câu hỏi về việc các trạm y tế đang có hiện tượng quá tải do người dân xin đơn thuốc để mua thuốc kháng virus, bà Mai cho biết sẽ ghi nhận thông tin và có hướng dẫn cụ thể, làm sao cho người dân được tiếp cận thuốc thuận tiện. Bà Mai thông tin bên cạnh việc tự mua thuốc, theo thống kê, còn khoảng 29.000 liều thuốc kháng virus tại các trạm y tế lưu động để cấp cho các đối tượng đủ điều kiện.
Vẫn cách ly F1 theo quy định
Liên quan đến đề xuất F1 đi làm, F0 làm việc trực tuyến, bà Mai cho rằng ngành y tế TP và các sở, ngành trên địa bàn đang thực hiện theo chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế. Theo định nghĩa F1 của Bộ Y tế thì số F1 đáp ứng điều kiện trên địa bàn không có nhiều. TP vẫn đang thực hiện mục tiêu kiểm soát F0, F1 để ngăn lây nhiễm cho cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ, giảm tỉ lệ tử vong.
Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn F1 được đi học và đi làm bình thường nên phải tiếp tục thực hiện theo quy định.
Bà Mai lưu ý một trong những biện pháp giảm tải cho ngành y tế là thực hiện cách ly F1, Bộ Y tế vẫn chưa bỏ cách ly F1 để giảm số ca mắc tăng và các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Theo các kịch bản và hướng dẫn phòng chống dịch, TP.HCM vẫn đang thực hiện quản lý F1 theo quy định.
Nỗ lực đảm bảo dạy học liên tục Liên quan tình hình giáo viên, các học sinh liên tục là F0, F1 gây ảnh hưởng, gián đoạn việc dạy và học, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tất cả giáo viên và học sinh sẽ được ưu tiên cách ly điều trị để đảm bảo sức khỏe theo quy định, cơ sở dạy học sẽ có kế hoạch sắp xếp để đảm bảo công tác học tập của học sinh. Trong thời gian bệnh, giáo viên và học sinh nếu đảm bảo sức khỏe vẫn tham gia dạy và học trực tuyến được. Nếu quá trình học bị gián đoạn thì nhà trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng để các em theo kịp chương trình học. “Các cơ sở giáo dục đang nỗ lực đảm bảo dạy học liên tục bằng trực tiếp và trực tuyến” - ông Trọng khẳng định. |