Đã gần ba tháng sau ngày khai giảng năm học nhưng “bệnh” lạm thu trong nhà trường vẫn còn dai dẳng với những kiểu thu mới.
Muôn hình vạn trạng
Mới đây, nhiều phụ huynh Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) bức xúc khi nhận được “giấy ủng hộ tiền” do giáo viên (GV) chủ nhiệm phát, yêu cầu mỗi phụ huynh đóng 220.000 đồng/người. Cuối tờ giấy ghi: “Tôi xin tự nguyện ủng hộ nhà trường số tiền… Kính mong trường nhận cho tôi số tiền trên. Tôi xin chân thành cảm ơn. Phụ huynh…” như thể phụ huynh năn nỉ nhà trường nhận tiền. Chính dòng chữ trên khiến phụ huynh bất bình. “Mình là người móc tiền ra ủng hộ mà còn phải năn nỉ người ta nhận giùm” - một phụ huynh bày tỏ.
Trước đó, tại Trường Tiểu học Minh Khai 2 (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), phụ huynh bất ngờ khi nhận được thông báo các khoản thu đầu năm lạ như tiền ghế, tiền xã hội hóa giáo dục, tiền vệ sinh, trông trẻ, hỗ trợ nhà bếp, máy chiếu, điều hòa… Tổng cộng mỗi học sinh (HS) lớp 1 phải đóng 7,5 triệu đồng. Trái khoáy hơn, phụ huynh Trường THCS Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) được yêu cầu đóng quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia 600.000 đồng/em. Sau khi phụ huynh thắc mắc, lãnh đạo xã giải thích năm 2017 xã phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn, trong đó quy định trường học phải đạt chuẩn quốc gia nên phải thu tiền của phụ huynh.
Giấy ủng hộ tiền được phát cho phụ huynh học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh, tỉnh Gia Lai.
“Phát triển ổn định”
Ngay từ đầu năm học, nhiều địa phương cam kết không để xảy ra tình trạng lạm thu trong nhà trường. Mới đây, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV ngày 20-10, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục dưới hình thức đóng góp tự nguyện gây bức xúc, khó khăn cho người dân.
Thực tế cho thấy bệnh lạm thu đã gần như miễn nhiễm với những phương thuốc cam kết, những quyết tâm chung chung. Bệnh lạm thu sao sống dai dữ vậy? Ấy là do nó được khoác chiếc áo “tự nguyện”, khi phụ huynh thắc mắc thì rõ là có chữ ký của phụ huynh khi ký đóng tiền, làm sao có ý kiến ý cò gì nữa.
Lạm thu gắn với nơi có quyền hành. Bệnh lạm thu lây lan ở mọi lĩnh vực chứ không riêng gì giáo dục. Nhưng có lẽ khi trú ngụ ở lĩnh vực này, bệnh lạm thu coi bộ sống dai nhất. Vì nằm ở đây lâu mà không chạy chữa nên bệnh ngày càng thêm lậm, ăn sâu vào não trạng của mấy vị chức sắc thì càng khó chữa. Vậy là “hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc là phụ huynh lại nhớ về… mùa lạm thu”. Phụ huynh có phàn nàn, kêu ca thì bệnh vẫn “phát triển một cách ổn định”!
Điều đáng lo nhất, sau nhiều năm hết yêu cầu đến kiến nghị nhưng căn bệnh lạm thu trong nhà trường vẫn không giảm, cùng với ngán ngẩm chuyện chạy trường, đã có nhiều phụ huynh chọn con đường đến trường khác cho con em học. Họ chuyển vì không phải ngại đóng tiền mà vì mất lòng tin.
Nếu không chặn ngay thì nguy cơ biến tướng lạm thu lây lan theo cấp số nhân là khó tránh khỏi. Với hệ thống văn bản pháp quy hiện hành, thiết nghĩ phương thuốc chống bệnh lạm thu đã có thừa, vấn đề còn lại là khắc phục sự thiếu quyết tâm.
Cần triệt ngay việc “tự nguyện đóng quỹ” Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bất bình khi đọc thông tin “Phụ huynh bức xúc vì… “năn nỉ” nhà trường nhận tiền” trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 14-11. • Từ lớp 1 đến lớp 12, cha mẹ HS chịu nhiều sức ép từ nhà trường. Mỗi năm nhập học đóng tiền cơ sở vật chất, tiền quỹ lớp, tiền phụ đạo... Trong năm học nhà trường tự tổ chức đi tham quan, HS không tham gia được đưa vào tầm ngắm hạnh kiểm. Thư ngỏ đóng góp phụ huynh HS toàn “tự nguyện”, chưa kể tiền đồng phục HS, nhà trường thay đổi logo thì phải mua đồng phục mới cho năm học tiếp theo. Tôi nuôi con ăn học, tôi hiểu và thương hoàn cảnh phụ huynh, rất khổ tâm. Thấy con cầm giấy nhà trường đem về là chuẩn bị đi lo tiền… ANH BAY • Ai sáng tác ra cái giấy ủng hộ tiền cho HS mang về đưa cho cha mẹ là quá “sáng kiến”, huyện nên chuyển ông này làm những việc gì có quyên góp là đúng nghề luôn, để dạy học và quản lý giáo dục là phí một… tài năng. NHÂN VIÊN • Dạy thêm cấm được, lạm thu sao không cấm được? NA 9 • Con tôi học lớp 1 tại một huyện, được GV phát cho tờ giấy “Tự nguyện xin cho con đi tham quan du lịch do nhà trường tổ chức” đem về cho phụ huynh điền tên rồi ký vào. Ai không đồng ý thì phải nộp lại tờ giấy đó và sau đó là mấy ngày liền GV chủ nhiệm hỏi lý do, hăm he ai không đi sẽ bị trừ điểm hạnh kiểm. NGUYỄN MINH |