Việc khó giám định hàm lượng ma túy hay xử lý sao khi cơ quan, tổ chức không cung cấp chứng cứ là những vấn đề thu hút nhiều ý kiến tại hội nghị triển khai công tác sáu tháng cuối năm của TAND Tối cao ngày 10-5.
Khó giám định hàm lượng ma túy loại “mới”
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng việc giám định hàm lượng ma túy hiện nay gặp nhiều bất cập, gây khó cho HĐXX.
Ông Phan Văn Tiến, Chánh án TAND tỉnh Yên Bái, cho biết với tang vật là các loại ma túy mới pha chế hoặc chất nghi là ma túy hiện chưa có mẫu so sánh xảy ra ngày càng nhiều. “Khi bắt giữ chỉ có thể xác định nhanh được trọng lượng là bao nhiêu, còn giám định hàm lượng đối với các chất nghi là ma túy cần nhiều thời gian và rất khó. Ở một số tỉnh miền núi, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn thì cơ quan điều tra phải gửi mẫu chất giám định về cơ quan trung ương để giám định”.
Theo ông Tiến, trong các trường hợp trên, nếu trả tự do cho người bị bắt giữ trong thời gian chờ kết quả giám định hàm lượng để xác định người đó có phạm tội không dễ dẫn đến người đó bỏ trốn, gây cản trở, khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nếu tạm giữ chờ kết quả giám định, sau đó không đủ căn cứ xử lý hình sự thì càng khó.
Đại diện TAND tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng nhiều vụ án ma túy phải trả hồ sơ nhiều lần nhưng vẫn chưa kết thúc vì vướng khâu giám định. “Quy định mới về thẩm quyền trưng cầu giám định nêu rõ: Xét thấy cần thiết, tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật. Tuy nhiên, mẫu ma túy tòa không giữ nên không thể giám định được. Hơn nữa, có vụ việc số lượng ma túy do các bị cáo khai ra, không có mẫu vật để giám định. Nên chăng chỉ quy định việc giám định chỉ giao cho CQĐT, VKS, còn tòa án không thực hiện việc trưng cầu giám định” - vị này nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, tại hội nghị. Ảnh: TẤN TÀI
Bệnh nặng thế nào mới được hoãn đi tù?
Việc hoãn thi hành án (THA) hình sự cũng còn nhiều vấn đề chưa cụ thể dẫn đến việc áp dụng thực tế có khác nhau. Theo ông Phan Văn Tiến, người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn THA theo quy định. Nhưng thực tế lại phát sinh khó khăn trong việc xác định như thế nào là người bị bệnh nặng.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Hiện nay các bệnh viện cấp tỉnh không kết luận tình trạng bệnh của người bị xử phạt tù. Ngoài ra, cũng không có quy chế phối hợp nào giữa tòa án và bệnh viện về việc phải kết luận tình trạng sức khỏe của người bị kết án để phục vụ cho việc hoãn THA.
Về thời hạn hoãn THA, ông Tiến nói: “Đối với trường hợp người bị kết án bị bệnh nặng theo quy định có thể được hoãn một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục. Các tòa án thường áp dụng thời gian hoãn khác nhau. TAND Tối cao nên quy định theo hướng áp dụng nhiều lần với thời gian hoãn THA cho mỗi lần không quá dài (dưới một năm) để dễ theo dõi sức khỏe người bị kết án”.
Cơ quan, tổ chức không cung cấp chứng cứ thì xử sao?
Đại diện TAND tỉnh Bình Định và Bắc Kạn cho hay ở nhiều địa phương có nhiều vụ tranh chấp quyền sử dụng đất mà hai bên đương sự chưa được cấp giấy đỏ. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu đưa vụ án ra xét xử thì phần quyết định trong bản án công nhận quyền sử dụng đất và việc giao đất phải tuyên như thế nào? Đề nghị TAND Tối cao có hướng dẫn cụ thể, thống nhất cách tuyên trong bản án.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn cụ thể về xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không cung cấp chứng cứ mình đang quản lý, lưu trữ đúng thời hạn quy định khi tòa án yêu cầu. “Khoản 2 Điều 94 BLTTDS quy định trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời... thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài quy định tại Điều 94 này, TAND Tối cao chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể nào để xử lý các trường hợp vi phạm nêu trên” - một đại biểu nói…
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, yêu cầu các đơn vị chức năng phải sớm tập hợp những kiến nghị, vướng mắc của TAND các tỉnh, thành để trình TAND Tối cao xem xét, phản hồi. Ông Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác xét xử, nhiều vụ án chưa thực sự yên tâm, trong đó đáng chú ý là án dân sự.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về vụ đại gia mua dâm Tại hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trước khi lên nhận nhiệm vụ mới, ông đã nhận được nhiều chia sẻ, gửi gắm từ các vị nguyên là lãnh đạo của TAND Tối cao. Trong đó có những vụ án vẫn chưa thực sự yên tâm, đặc biệt là án dân sự. Về án hình sự, ông Bình nói tuy có “tương đối nề nếp hơn” nhưng không phải không có vấn đề. “Hôm qua, tôi đã yêu cầu xem xét lại vụ án đại gia mua dâm ở TP Cà Mau. Trong vụ này, VKS truy tố tội mua dâm người chưa thành niên với khung hình phạt 3-3,5 năm tù. Tòa sơ thẩm TP Cà Mau tuyên xử ba năm tù treo” - ông Bình cho biết. Ông Bình nói tiếp: Trong vụ án này, bị cáo lại là đại gia. Báo chí và dư luận đặt ra câu hỏi có phải vì đại gia nên mới được treo? Rồi có bình luận rằng ông này may mắn do đang ở Việt Nam thì mới được treo chứ ở Mỹ thì “mục xương”. “Người ta lại đưa ra vụ án tương tự là có hai cháu yêu nhau nhưng dưới 16 tuổi. Cháu gái lỡ có bầu, còn chàng trai thì phải chịu mức án bốn năm tù. Cháu gái vẫn ở nhà đẻ con và chờ chàng trai về. Bấy giờ người ta mới so sánh. Rõ ràng, những vụ án như thế làm chúng ta băn khoăn và canh cánh nhiều điều về năng lực xét xử. Nguyên nhân vụ việc có thể do áp lực khách quan như công việc gia tăng, biên chế người thì ít... nhưng cũng có nguyên nhân về trách nhiệm, về điều hành” - ông Bình nói. Nhắc đến vụ án oan của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, ông Bình cho biết ông vừa cùng đoàn công tác vào làm việc, giải quyết tại Bình Thuận. Vụ việc xảy ra nhiều năm rồi nhưng có rất nhiều việc phải giải quyết. Ông Bình đã phải thốt lên: “Ê chề lắm!”. “Có những việc đã có trong luật nhưng anh em lại đi giở tới giở lui. Giở ra thì nó cũng nằm trong luật hết. Cho nên trách nhiệm của Tòa Tối cao là chỉ đạo quyết liệt vụ việc này” - ông Bình cho hay. Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ tòa Tại hội nghị, bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM, cho hay đội ngũ thẩm phán đang phải chịu áp lực rất lớn về công tác chuyên môn cũng như các áp lực khác nữa. “Vừa rồi có thẩm phán đến trả lại hồ sơ vì liên tục nhận được tin nhắn đe dọa. Thậm chí chúng còn dọa sẽ trả thù bằng việc nhắm vào đứa con đang gửi ở nhà trẻ. Rồi mới đây có thư ký tòa án đi tống đạt giấy tờ thì bị đương sự tấn công. Nguy hiểm như vậy nhưng hiện chưa có cơ chế bảo vệ hay hỗ trợ cán bộ tòa án” - bà Hương nói. Đồng quan điểm, chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi thông tin thêm, những vụ việc như thẩm phán bị giang hồ chạy ép xe té lăn ra đường, cử người theo dõi về đến tận nhà... cũng từng xảy ra tại địa phương này. |