Ông NVT (46 tuổi, ở Long An, đang điều trị cái chân gãy ở BV ĐH Y Dược TP.HCM) lo: “BV có hai tầng hầm để xe, chẳng may có hỏa hoạn thì làm sao mà chạy!”. Còn bà NTTH (ở Đồng Nai, đang nuôi người thân) lo: “Người nhà tôi luôn rơi vào tình trạng hôn mê, không may xảy ra cháy chỉ có nước khóc!”.
Tương tự, BV quận Tân Phú (TP.HCM) rất đông bệnh nhân đến điều trị ngoại trú, nội trú, nhiều người cũng lo là xe đã tắt máy vẫn có thể tự cháy trong khi tầng hầm của BV chứa hàng trăm xe.
Một sản phụ chờ sinh ở BV Nguyễn Tri Phương cũng bị ám ảnh với thảm họa Carina vì họ không thể… chạy.
Kiểm tra dụng cụ PCCC tại BV quận Tân Phú. Ảnh: TRẦN NGỌC
Mang các nỗi lo đến trao đổi với BS Đinh Thanh Hưng (Giám đốc BV quận Tân Phú), ông nói: “Công tác PCCC tại cơ sở luôn được quan tâm. Ngoài hệ thống trang thiết bị PCCC khá hoàn thiện thì BV có hẳn một đội chuyên trách PCCC được tập huấn thường xuyên. BV còn phối hợp với cảnh sát PCCC diễn tập ngay tại BV để xử lý sự cố nhanh và tốt nhất. Bác sĩ, điều dưỡng các khoa cũng được tập huấn về PCCC, cách sử dụng các thiết bị chữa cháy, thoát hiểm cho bệnh nhân...”.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng phòng Quản trị tòa nhà BV ĐH Y Dược TP.HCM) thì nói: “Liên quan đến cháy nổ, bệnh nhân lo một thì BV sợ mười. Do vậy, BV trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy ở tất cả khu vực, kể cả nhà vệ sinh. BV cũng lắp đặt hệ thống phun nước chữa cháy tự động. Hầu hết nhân viên y tế của BV được tập huấn phương án PCCC và được cấp chứng chỉ hẳn hoi. Khi cháy xảy ra, nhân viên y tế có thể xử lý mọi tình huống và hỗ trợ bệnh nhân nặng thoát hiểm”.
Tương tự, BS Phan Văn Nghiệm (Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương) cho biết khu A của BV có năm tầng lầu với nhiều chuyên khoa. Khu này luôn có khoảng 30 sản phụ chờ sinh và 170 bệnh nhân điều trị.
“Tất cả bác sĩ, điều dưỡng các khoa đều được tập huấn phương án PCCC và kỹ năng thoát hiểm. Các cầu thang thoát hiểm được thiết kế rộng rãi để nhân viên y tế dễ dàng hỗ trợ đưa sản phụ và bệnh nhân nặng xuống đất” - BS Nghiệm nói.