Bệnh nhân tâm thần 'bay lắc' ma túy trong bệnh viện có bị tội?

Liên quan đến vụ Công an TP Hà Nội vừa triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Bộ Y tế), ngày 1-4 Bộ Y tế đã ra công văn hỏa tốc yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện báo cáo sự việc.

Thông tin ban đầu, tháng 1-2021, công an phát hiện một băng nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn trên địa bàn TP, do Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) cầm đầu.

Quý từng có nhiều tiền án tiền sự và vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I từ tháng 11-2018.

Trong thời gian trong bệnh viện Quý cùng đàn em mời bạn bè, “gái dịch vụ”, thậm chí có cả cán bộ của bệnh viện đến để sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, đây cũng là nơi để Quý giao dịch mua bán ma túy.

Ngày 20-3, công an đã triệt phá băng nhóm tội phạm này bắt giữ 5 nghi phạm liên quan để điều tra về hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. 

Tiếp đó, quá trình điều tra mở rộng vụ án, công an tiếp tục bắt giữ Nguyễn Anh Vũ  là Kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Nguyễn Xuân Quý tại cơ quan công an. Ảnh: TUYẾN PHAN - UYÊN TRANG

Ở góc độ pháp lý nnhiều bạn đọc băn khoăn rằng Quý là bệnh nhân tâm thần thì có phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS)?

Theo ThS Trần Thanh Thảo, Giảng viên Khoa luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM phân tích: Quý được xác định là bệnh nhân tâm thần nhưng lại thực hiện các hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Để xác định được Quý có chịu TNHS hay không thì yếu tố tiên quyết là xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Quý có bị tâm thần hay không? Việc này cần phải do Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận.

Nếu tại thời điểm phạm tội mà Quý và các đồng phạm hết bệnh thì họ sẽ chịu TNHS bình thường về các tội danh nêu trên.

Nếu tại thời điểm phạm tội, Quý vẫn tâm thần và không nhận thức được hành vi thì Quý thoát TNHS theo Điều 21, BLHS 2015

Nếu tại thời điểm phạm tội, xác định Quý vẫn còn tâm thần nhưng tình trạng bệnh đã thuyên giảm, vẫn nhận thức được hành vi của họ là nguy hiểm cho xã hội nhưng hạn chế hơn so với người bình thường thì vẫn phải chịu TNHS nhưng sẽ được xem là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt. Cơ sở pháp lý là điểm q, khoản 1, Điều 51, BLHS (Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình).

Về tội danh, theo ThS Trần Thanh Thảo, thứ nhất, nếu xác định Quý và đồng phạm nhận thức được hành vi nhưng vẫn thực hiện việc mua bán trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử lý về tội này theo Điều 251 BLHS (khung hình phạt tối đa lên đến tử hình).

Thứ hai, nếu để ma túy trong bệnh viện để sử dụng thì sẽ bị kết thêm tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Còn nếu hành vi tàng trữ với mục đích để mua bán thì được hiểu hành vi này sẽ bị tội mua bán trái phép chất ma túy.

Thứ ba, hành vi lôi kéo, tổ chức cho những người khác sử dụng trái phép chất ma túy tại phòng ở bệnh viện thì bị kết thêm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 BLHS (khung hình phạt lên đến chung thân).

Đối với cán bộ bệnh viện là Vũ, nếu Vũ biết được Quý và đồng phạm có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy mà vẫn giúp sức cho họ thực hiện hành vi phạm tội thì Vũ sẽ là đồng phạm với những người này về các tội danh đã nêu.

Còn nếu Vũ không biết được những người này có những hành vi như mua bán, tàng trữ ma túy,… mà chỉ biết là họ sử dụng phòng trong bệnh viện để sử dụng ma túy thì Vũ có thể bị xử lý về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256 BLHS, mức phạt tù tối đa là 15 năm).

“Trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện ở đây là buông lỏng quản lý, lãnh đạo và có thể bị xử lý kỷ luật về mặt hành chính theo Nghị định 112/2020. Không thể xử lý hình sự lãnh đạo Bệnh viện vì BLHS không quy định”- ThS Trần Thanh Thảo nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm