Bệnh nhân tử vong liên quan đậu mùa khỉ ở TP.HCM

(PLO)- Một bệnh nhân nam (29 tuổi, ngụ Long An) liên quan đến đậu mùa khỉ vừa tử vong sau 18 ngày điều trị tại TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-10, Sở Y tế TP.HCM thông tin TP.HCM ghi nhận một ca mắc đậu mùa khỉ đã tử vong. Đây là ca đậu mùa khỉ tử vong đầu tiên tại TP.HCM.

Theo Sở Y tế, đây là bệnh nhân nam (30 tuổi, ngụ tỉnh Long An) tử vong có liên quan đến đậu mùa khỉ trong bệnh cảnh suy giảm miễn dịch giai đoạn cuối đã được ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM).

Theo báo cáo tóm tắt của BV Bệnh nhiệt đới, trước đó, bệnh nhân nhập viện ngày 2-10 trong tình trạng sốt, nổi mụn nước 9 ngày.

Bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với đậu mùa khỉ, có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL.

benh-nhan-dau-mua-khi-tu-vong
Ca đậu mùa khỉ tử vong được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ngoài ra, bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng.

Bệnh nhân được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu.

Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng, bệnh nhân tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.

Hiện Sở Y Tế TP.HCM đã chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn để có kết luận và báo cáo chính thức về trường hợp này.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo:

Với bệnh nhân, người có triệu chứng sốt, phát ban cấp tính dạng mụn mủ quanh bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, chân, thân mình, mặt, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Với người tiếp xúc bệnh nhân, cố gắng tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Với người dân, kể cả bệnh nhân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân, bao gồm che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi.

Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm