Bệnh sởi ở TP.HCM tăng, xét nghiệm tất cả ca phát ban dạng sởi

(PLO)- Gia tăng ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM, ngành y tế tăng cường điều trị và xét nghiệm tất cả các ca phát ban dạng sởi đến khám hoặc nhập viện. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa tiếp nhận 2 bệnh nhi song sinh 8 tháng tuổi (ngụ Bến Tre) nhập viện do mắc bệnh sởi. Bệnh viện cũng đang điều trị cho 3 ca sởi ở TP.HCM từ 4 đến 5 tuổi.

Các ca bệnh đều chưa tiêm vaccine

Chị TTLK (35 tuổi, ngụ Bến Tre), cho biết con chị là bé TGK (9 tháng tuổi) đang điều trị bệnh sởi đã 5 ngày. Hiện bé K viêm phổi nặng nên phải thở ôxy. Chị K cho biết con chị chưa tiêm vaccine ngừa sởi.

Chị TTT (50 tuổi, ngụ Bình Phước) đang chăm con là NBT (10 tuổi) điều trị bệnh sởi tại khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1. Bé T cũng chưa tiêm vaccine ngừa sởi.

Trước đó, vào cuối tháng 5-2024, ngành y tế ghi nhận 2 ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM, bệnh nhi đều chưa được tiêm vaccine ngừa sởi.

soi-o-TP.HCM3.jpg
Các ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 18-6. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Bệnh nguy hiểm vì khả năng lây nhiễm cao, có thể gây thành dịch. Nếu không được chăm sóc đúng cách dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Hiện sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Tiêm vaccine sởi là biện pháp chủ động phòng bệnh sởi tốt nhất. Sau khi tiêm, vaccine sẽ giúp cơ thể trẻ tạo miễn dịch phòng ngừa bệnh và giúp tạo miễn dịch cộng đồng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), chia sẻ: "Nên tiêm đủ liều vaccine ngừa sởi để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Tùy từng trường hợp và bệnh nền mà bệnh sẽ nặng hay nhẹ".

Theo đó, khi trẻ đủ 9 tháng tuổi là thời điểm tiêm mũi sởi đầu tiên tốt nhất để tạo miễn dịch sớm bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc sởi.

Trẻ nên tiêm mũi sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi để tạo miễn dịch cho những trường hợp trẻ chưa có đáp ứng miễn dịch sau mũi tiêm thứ nhất hoặc chưa được tiêm vaccine sởi.

Miễn dịch sau tiêm vaccine sởi là miễn dịch suốt đời.

Sau tiêm, trẻ có thể gặp một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ, phát ban, sưng và đau chỗ tiêm. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu bất thường như sốt cao (>39 độ C), co giật, khó thở, tím tái.

sởi ở TP.HCM - 1
Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo tất cả cơ sở y tế đảm bảo công tác điều trị, dự phòng và giám sát bệnh sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tăng cường dự phòng, giám sát và điều trị

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo tất cả cơ sở y tế đảm bảo công tác điều trị, dự phòng và giám sát bệnh sởi ở TP.HCM.

Theo Sở Y tế, hiện đang ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi ở TP.HCM tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi. Tính từ đầu năm đến tuần đầu tháng 6-2024 là 15 ca bệnh sởi ở TP.HCM.

Để chủ động điều trị, phát hiện sớm và dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, hạn chế sự bùng phát thành dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh chủ động rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động tại các khoa, đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm.

Cạnh đó, đảm bảo công tác khám và chẩn đoán bệnh sởi kịp thời, đánh giá đúng tình trạng bệnh để phát hiện sớm và cách ly đối với các trường hợp nghi sởi hoặc mắc sởi. Chỉ định nhập viện theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị vật tư y tế đảm bảo kịp thời tiếp nhận, điều trị người bệnh theo phân tuyến. Rà soát, củng cố quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú.

Đối với các trường hợp người mắc bệnh sởi trở nặng, nguy kịch, Sở Y tế đề nghị các đơn vị chủ động hội chẩn với tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi ở TP.HCM để được hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn hoặc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến cuối để tiếp tục điều trị.

Phối hợp chặt chẽ với HCDC trong điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp sốt phát ban dạng sởi đến khám hoặc nhập viện để xét nghiệm chẩn đoán xác định nguyên nhân.

soi-o-tp.hcm1.jpg
Lấy mẫu bệnh phẩm tất cả các trường hợp sốt phát ban dạng sởi đến khám hoặc nhập viện để tìm nguyên nhân bệnh sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) chuẩn bị các nguồn lực sẵn sàng tiếp nhận các ca bệnh sởi nặng từ các cơ sở y tế khác chuyển đến. HCDC tăng cường truyền thông và giám sát chặt diễn biến bệnh sởi trên địa bàn.

Ngành y tế kêu gọi và khuyến khích người dân tiêm vaccine để chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi cho bản thân và gia đình. Khuyến cáo phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để kịp thời thăm khám tại các cơ sở y tế.

Biện pháp phòng bệnh sởi

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

- Ăn uống lành mạnh, đủ chất, luyện tập thể dục thể thao khoa học để nâng cao sức đề kháng.

- Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ sởi như sốt, phát ban và viêm long hô hấp (ho, chảy nước mũi…).

- Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm