'Bệnh viện tự chủ nhưng cái gì cũng phải xin ý kiến'

Sáng 3-10, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG KHÁNH

 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 có 26/45 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên.

Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, phần lớn các bệnh viện đã không phải nằm ghép. Các bệnh viện tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sĩ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga…

“Phục vụ con người là mục tiêu cao nhất. Cái được nhất là chỉ số hài lòng của bệnh nhân. Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi. Cơ chế tự chủ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, không ỉ lại trông chờ vào ngân sách”, bà Tiến cho hay.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tự chủ có tồn tại, bất cập là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu. Ngoài ra, còn có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn. Hay tình trạng chênh lệch thu nhập, chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình giám sát, tập hợp ý kiến. Như với giá dịch vụ y tế chưa có sự thống nhất, chỗ chưa tính đúng tính đủ, nơi thì thu thêm. Một lãnh đạo bệnh viện nói “giao tự chủ nhưng không biết tự chủ gì”. Nhiều cơ sở phản ánh, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt về cán bộ, tài chính.

“Làm sao để tháo gỡ, ai có trách nhiệm, khi nào thì tháo gỡ xong?”, ông Trí nêu hàng loạt câu hỏi. Từ nghị quyết cho thí điểm với bốn bệnh viện đặc biệt, đại biểu chất vấn, có nên ra nghị quyết đặc biệt để thúc đẩy tự chủ cho bệnh viện tuyến dưới còn nhiều khó khăn?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: QUANG KHÁNH

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh thực tế bệnh viện dân lập đầu tư từ cơ sở vật chất đến tuyển dụng y bác sĩ rất tốt, đem lại lợi nhuận. Còn bệnh viện công lập được đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng y, bác sĩ nhưng lại khó tiếp cận tự chủ. Ông đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân một số cơ sở thu vượt cầu, lạm dụng kỹ thuật cao…

Giải trình những bất cập đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng vướng mắc hiện nay là giá dịch vụ tính đúng tính đủ, họ chọn bác sĩ, điều dưỡng cần, một bác sĩ chăm sóc ít bệnh nhân, chất lượng được nâng lên nhưng như thế giá phải cao hơn.

Nghị quyết thí điểm với bệnh viện tự chủ loại 1, tức là tự chủ đầu tư xây dựng và tài chính, đồng thời xây dựng mô hình tương tự như doanh nghiệp. Những bệnh viện này có 3-4 cơ sở, mỗi cơ sở bằng một bệnh viện. “Đây là tuyến cao nhất, bệnh viện hạng đặc biệt, chỉ có bệnh nhân nặng mới vào, có khoa theo yêu cầu, cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Người nghèo nếu chuyển viện đúng tuyến vẫn được. Đó là bệnh khó từ tuyến tỉnh chuyển lên. Họ cũng được hưởng như những người có điều kiện. Những trường hợp ghép gan, ghép tim vừa qua đều là bệnh nhân nghèo mà các tuyến không giải quyết được”, bà Tiến cho hay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn quay lại mấu chốt của vấn đề tự chủ, muốn chất lượng tốt phải có nguồn thu để chi trả, thu hút cán bộ chất lượng, xây dựng mới cơ sở vật chất, xây nhà vệ sinh ít nhất 3 sao trở lên, rồi trang phục, chống nhiễm khuẩn rất tốn kém… Như vậy phải làm sao thu nhiều, trong khi bảo hiểm thanh toán mức tối thiểu nên sẽ có lạm dụng kỹ thuật không cần thiết. Thuốc có thể kê ngoài danh mục bảo hiểm thanh toán, số ngày giường nằm viện cũng tăng, số lượt khám tăng… giải pháp cho việc này, theo bà Tiến là có định mức, thanh tra, kiểm toán, giám sát. “Tháng trước chúng tôi mới ban hành chỉ thị chống lạm dụng, trục lợi để có giải pháp tăng cường giám sát”, bà Tiến nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới