Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ và người dân thủ đô làm theo, để hình thành và giữ gìn nét đẹp thanh lịch trong hành xử, giao tiếp hằng ngày.
1. Quy tắc ứng xử được hiểu là những nguyên tắc chung trong việc hành xử tại một nơi nào đó, trong một quan hệ cụ thể nào đó. Do đó, bên cạnh những quy định pháp luật có tính chế tài thì việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử nhằm định hướng hành vi của các thành viên trong cộng đồng, tổ chức là điều rất cần. Đơn cử như trong một doanh nghiệp, bên cạnh nội quy lao động với những điều khoản cụ thể về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, những hành vi vi phạm và mức độ xử lý…, rất nhiều công ty xây dựng cho riêng mình bộ quy tắc ứng xử. Chính bộ quy tắc ứng xử này góp phần hình thành nên văn hóa của từng doanh nghiệp.
Chính vì lẽ đó, nhiều người rất đồng tình về việc Hà Nội ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng. Bởi lẽ các quy định pháp luật sẽ quy định những hành vi bị cấm (vi phạm pháp luật) nhưng quy tắc ứng xử thì ghi nhận cả những hành vi được khuyến khích hành xử. Và chính điều này mới góp phần tạo nên văn hóa của nơi đó.
Tất nhiên, chúng ta đừng quá kỳ vọng vào quy tắc ứng xử. Đó chỉ là hành lang hỗ trợ mà thôi. Vấn đề chính vẫn phải là nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Bởi có rất nhiều nội dung được đặt trong quy tắc ứng xử là những hành vi được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật hiện hành, có chế tài hẳn hoi. Trong khi đó, quy tắc chỉ nêu những hành vi nên và không nên, khuyến khích và không khuyến khích. Do đó việc tuân thủ, xử lý nghiêm túc đối với các hành vi vi phạm pháp luật phải được đặt lên hàng đầu, khi đó quy tắc ứng xử mới có thể phát huy được hiệu quả.
2. Dù đồng thuận với quy tắc ứng xử nhưng tôi lại không đồng tình với việc chế tài “bêu xấu” được quy định trong quy tắc vì nó trái với nguyên tắc pháp luật.
Như đã nói, với những hành vi được nêu trong quy tắc mà đã được quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể rồi thì rất dễ xử lý, khi đó ta chỉ cần áp dụng chế tài có sẵn trong các văn bản pháp luật liên quan để xử người vi phạm. Riêng đối với các hành vi trong quy tắc ứng xử mà chưa được quy định trong các văn bản pháp luật thì lại khác. Khi đó, dù chúng ta có vi phạm quy tắc thì vẫn chưa bị xem là vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc xem xét để chế tài người vi phạm các hành vi này là điều cần cân nhắc kỹ.
Ấy thế nhưng trong quy tắc lại quy định: “Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng...” (khoản 2 Điều 13 của quy tắc). Theo tôi, quy định như vậy là đã “vượt mặt” pháp luật vì nó chưa được pháp luật - cụ thể là Luật Xử lý vi phạm hành chính - quy định. Việc nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng là một hình thức chế tài rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người đó mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình, người thân và cả cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc nữa.
Nếu người nào bị “bêu xấu” trên các phương tiện thông tin đại chúng, họ sẽ khởi kiện hành chính người ra quyết định “bêu xấu” hoặc cơ quan thông tin đại chúng đã “bêu xấu” họ. Khi đó, chiếu theo quy định pháp luật hiện hành, tôi tin họ chắc chắn sẽ thắng kiện giòn giã.
Trong khi đó, với cán bộ, công chức nếu vi phạm thì “tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trong các cơ quan, đơn vị” (khoản 2 Điều 10 Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội). Chế tài như vậy rõ ràng nhẹ hơn người dân vi phạm nhưng do đúng luật nên chấp nhận được.
* * *
Tóm lại, tôi cho rằng quy tắc ứng xử là cần thiết, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, bộ quy tắc này không phải là chiếc đũa thần trong việc định hình hành vi và thói quen hành xử. Nó cần phải được kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục khác để hình thành nên chuẩn mực xử sự lịch lãm, văn minh của TP thủ đô ngàn năm văn vật.
Và đặc biệt, các chuẩn mực ấy phải được đặt trên tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó cần bãi bỏ và sửa lại hình thức xử lý “bêu tên” nói trên.