Nhưng thực trạng hiện nay bò Úc nhập khẩu vào VN đang chiếm lĩnh thị trường TP.HCM (chiếm 60 – 70% thị phần). Bò Việt đã biến mất khỏi các siêu thị, cửa hàng, quán ăn, thay vào đó là bò Úc?
- Việt Nam chưa có ngành chăn nuôi bò thịt theo đúng nghĩa. Qua việc bò Úc tràn ngập, có thể thấy lộ rõ yếu kém của ngành. Chăn nuôi bò thịt hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ và được nuôi chủ yếu tại các hộ nông dân không chuyên nghiệp. Bò chủ yếu là chăn nuôi kiêm dụng, quy mô sản xuất nhỏ, giống năng suất thấp. Khi bán bò lại qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến chi phí giao dịch trong toàn chuỗi cao. Trên thị trường thiếu các giống bò thịt cao sản, thiếu đàn bò cái chuẩn, nên giá bò giống quá cao. Mạng lưới thụ tinh nhân tạo bò không phát triển. Trong khi đó diện tích đồng cỏ cho chăn thả rất ít vì đa số đất đã sử dụng cho việc trồng các cây lương thực và cây công nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, chăn nuôi bò không phải là lợi thế của Việt Nam, khi mà chúng ta không có điều kiện chăn nuôi đại gia súc theo quy mô lớn (trong khi đây lại là thế mạnh của bò Úc). Sắp tới, các Hiệp định TPP, AFTA,… có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu thịt sẽ về bằng 0, lúc đó bò trong nước sẽ còn thua bò nhập?
- Thực ra chăn nuôi bò sữa trước đây cũng giống như bò thịt bây giờ, có ai tin là VN nói chung và đặc biệt là các vùng ít có điều kiện khí hậu thuận lợi như Nghệ An, Thanh Hóa lại phát triển được bò sữa. Vấn đề cơ bản là có các chính sách khả thi, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển. Thị trường thịt bò ở VN vẫn còn nhiều tiềm năng. Kết quả nghiên cứu của Viện Chăn nuôi cho thấy, quy mô vừa và lớn có hiệu quả hơn và có sức cạnh tranh hơn so với chăn nuôi quy mô nhỏ, 3 vùng sinh thái (Tây Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ) có hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò cao nhất so với các vùng còn lại.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chính sách nào thực sự thúc đẩy việc phát triển đàn bò trong nước. Ngay cả trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi vừa được Chính phủ thông qua, Bộ NNPTNT cũng chỉ nói đến phát triển đàn bò sữa. Vậy cơ chế nào để bò nội có thể sống được trước “cơn lốc” bò ngoại nhập vào VN?
- Đúng vậy, nếu chúng ta có chính sách hợp lý, đàn bò thịt trong nước vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển. Theo đó cần có chính sách tương tự như chính sách phát triển bò sữa trước đây. Trong đó tập trung hỗ trợ về giống: Tiếp tục thực hiện chương trình Zebu hóa đàn bò để tạo đàn bò cái nền tốt, từ đó lai tạo ra các giống bò thịt phù hợp với từng vùng miền, làm cơ sở cho việc chuyển dần đàn bò thịt từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Cũng cần hỗ trợ nhập khẩu bò đực giống tốt để sản xuất tinh đông lạnh phục vụ thụ tinh nhân tạo và hỗ trợ về tín dụng, cơ sở hạ tầng, đào tao tập huấn kỹ thuật,… Đồng thời phải giải quyết đồng bộ những cản trở kỹ thuật cũng như những khó khăn về thị trường theo chuỗi; khuyến khích liên kết ngang, liên kết dọc.