Ngày 10-1, TAND TP Cần Thơ tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai đối với bị cáo Trương Văn Kiệt (55 tuổi), giám đốc Công ty TNHH TM-XD Trương Hữu Tài, bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Kiệt nghe VKS trình bày quan điểm luận tội tại tòa ngày 10-2. Ảnh: NHẪN NAM
Trước đó, trong ngày 7-2, sau nửa ngày xét xử tòa đã tạm dừng để triệu tập thêm những người liên quan đến vụ án tới tòa.
Theo cáo trạng, lợi dụng việc thi công, xây dựng cho Công ty Long Thịnh và được Công ty Long Thịnh thanh toán bằng nền nhà và nhà xây thô tại khu dân cư Long Thịnh, Kiệt đã sử dụng căn nhà của Kiệt bán cho nhiều người.
Đồng thời, Kiệt chỉ đạo kế toán công ty của mình là Tăng Thông làm giả các hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với Công ty Long Thịnh, biên bản họp hội đồng thành viên của Công ty Trương Hữu Tài để các bị hại tin các tài sản ghi trong hợp đồng là của Kiệt. Sau đó, bị cáo ký hợp đồng mua bán, hợp đồng thế chấp với bị hại để chiếm đoạt tổng số tiền gần 5 tỉ đồng.
Tại tòa ngày 10-2, bị cáo Kiệt vẫn cho rằng mình không phạm tội. Bị cáo yêu cầu những vật chứng thu giữ của công ty bị cáo phải được công khai tại tòa. Theo bị cáo này, “mấy giấy tờ thu giữ là giấy tờ khống”. Bị cáo này còn nói rằng nếu phục hồi CPU máy tính thu giữ tại công ty của bị cáo mà có file văn bản làm giả thì mới chấp nhận, “còn không là do Tăng Thông vu khống”. Trong khi đó, ông Tăng Thông cho rằng việc làm giả các hợp đồng mua bán, góp vốn với Công ty Long Thịnh là do bị cáo Kiệt chỉ đạo. “Mày cứ làm đi, có gì tao chịu hết” - Thông nói lời của Kiệt chỉ đạo.
Bị cáo này liên tục yêu cầu VKS phải trưng ra các giấy tờ như phiếu thu tiền, biên bản bàn giao nền, nhà khi VKS đặt câu hỏi. “Yêu cầu công tố làm việc đúng quy định. Tui sai tui cúi mặt trước HĐXX tui nhận” - bị cáo Kiệt nói.
Phát biểu quan điểm, VKS cho rằng bị cáo kêu oan không có cơ sở. VKS cho rằng việc “làm ăn” giữa công ty của bị cáo và Long Thịnh thể hiện rõ trong báo cáo kiểm toán. Bị cáo không gian dối thì vì sao lại giả chữ ký thành viên Công ty Trương Hữu Tài (người này đã chết) để giao dịch. Đối với hai nền nhà, bị cáo đã ký thanh lý hợp đồng và có công văn từ chối không thực hiện hợp đồng nhưng vẫn đem hai nền này bán cho người khác. Hành vi rõ nhất là một căn nhà bán cho hai người… Theo đó, VKS đề nghị phạt bị cáo 17-18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong phần tranh luận với VKS, bị cáo Kiệt không đi vào phân tích các nội dung bị truy tố (bảy hợp đồng làm giả, chiếm đoạt gần 5 tỉ đồng) mà cho rằng giữa công ty của bị cáo và Công ty Long Thịnh chưa có đối chiếu công nợ, phủ nhận kết quả kiểm toán, yêu cầu tòa tạm dừng xét xử để cho điều tra xét xử lại… Vì bị cáo nói quá nhiều và quá lan man nên tòa liên tục yêu cầu bị cáo tranh luận vào các vấn đề bị cáo bị truy tố. Cuối cùng bị cáo cho rằng mình bị oan, không đồng ý với cáo trạng.
Bị cáo Kiệt nghe tòa tuyên án chiều 10-2. Ảnh: NHẪN NAM
Sau khi vào nghị án, HĐXX nhận định quá trình điều tra tuân thủ pháp luật. Việc giao dịch hai căn nhà thô D7-9 và D7-10 của bị cáo là đúng quy định nên việc truy tố là không có căn cứ. Đối với căn nhà D23-12, bị cáo ký hợp đồng góp vốn với Công ty Long Thịnh mua nhà này rồi bán cho người thứ nhất. Sau đó, bị cáo bán hợp đồng góp vốn căn nhà trên cho người thứ hai. Việc này tòađánh giá là việc truy tố cũng không có cơ sở.
Còn lại những vụ khác do bị cáo chỉ đạo Tăng Thông làm giả hợp đồng góp vốn, xây dựng để lừa các bị hại tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng.
Tòa cho rằng bị cáo phạm tội nhiều lần, quanh co chối tội gây khó khăn quá trình điều tra... Từ đó tòa quyết định phạt bị cáo 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, xử sơ thẩm lần đầu hồi tháng 6-2016, TAND TP Cần Thơ phạt Kiệt án tù chung thân, Thông ba năm tù treo cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đó Kiệt luôn kêu oan. Xử phúc thẩm lần đầu vào năm 2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy một phần bản án về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự đối với bị cáo Kiệt.