Chiều 14-6, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trương Văn Kiệt (50 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) tù chung thân, thuộc cấp của Kiệt là Tăng Thông (33 tuổi, ngụ cùng địa phương) ba năm tù treo cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc bị cáo Kiệt phải bồi thường cho các bị hại tổng số tiền hơn 5,4 tỉ đồng (gồm cả lãi).
Hai bị cáo Kiệt (trái) và Thông nghe tòa tuyên án chiều 14-6. Ảnh: N.NAM.
Theo tòa, bị cáo Kiệt là chủ mưu thực hiện hành vi phạm tội và chỉ đạo kế toán thực hiện nhưng số tiền chiếm đoạt được bị cáo sử dụng một mình không chia cho kế toán. Con dấu công ty của bị cáo do cơ quan điều tra thu giữ chứ không nằm ở Công ty Long Thịnh như bị cáo nại ra.
Bị cáo Kiệt thể hiện thái độ ngoan cố, không khai đồng phạm. Trong khi bị cáo Thông khai rất thành khẩn, phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng và người liên quan. Bị cáo Thông phạm tội theo sự chỉ đạo của Kiệt, bản thân không được hưởng lợi gì, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo có bệnh nặng nên tòa cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, năm 2012 và 2013, Kiệt là giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng Trương Hữu Tài (đặt trụ sở tại huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) ký bảy hợp đồng với Công ty TNHH Long Thịnh để nhận khoán vật tư, nhân công xây thô nhà phố liền kề. Hình thức thanh toán là Công ty Long Thịnh đồng ý ký hợp đồng cho công ty của Kiệt góp vốn nhà thô hoặc nền đất. Kiệt chỉ định theo số lô, nền đã thỏa thuận, bù trừ tiền công ty của Kiệt mua nhà của công ty Long Thịnh…
Quá trình thi công, xây dựng vào khu dân cư Long Thịnh, Kiệt sử dụng căn nhà của Kiệt tự xây dựng trên nền mà công ty Long Thịnh giao cho Kiệt từ hợp đồng góp vốn bán cho nhiều người.
Ngoài ra, Kiệt chỉ đạo kế toán công ty của mình là Tăng Thông lấy các bản hợp đồng mua bán, góp vốn giữa Công ty Long Thịnh ký kết với công ty của Kiệt trước đó làm mẫu, rồi tự đánh máy số hợp đồng, ngày tháng, vị trí căn nhà, giá trị căn nhà rồi cắt, dán, photo, lắp ghép vào trang cuối của một trong các bản hợp đồng xây dựng, góp vốn hoặc thi công và lấy dấu mộc công ty Kiệt đóng giáp lai thành bản hợp đồng mua bán, góp vốn hoàn chỉnh. Đồng thời, cả hai bị cáo cùng làm ra nhiều giấy tờ liên quan để tìm người bị hại lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cách thức thực hiện là Kiệt nói với các bị hại rằng nền và nhà trong các hợp đồng này là của Kiệt, do Kiệt đầu tư xây dựng vào Công ty Long Thịnh được thanh toán bằng nhà và nền để cấn trừ. Nay Kiệt có nhu cầu bán hoặc cầm cố để vay tiền làm cho nhiều người tin tưởng giao dịch với Kiệt.
Tổng cộng, Kiệt và thuộc cấp đã thực hiện bảy vụ lừa đảo với tổng số tiền gần 5 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này, Kiệt chiếm hưởng không chia cho thuộc cấp đồng nào.
Tại tòa, bị cáo Kiệt từ đầu đến cuối phiên xử luôn cho rằng mình không phạm tội, cáo trạng và kết luận điều tra “bao che” cho Công ty Long Thịnh. Nhiều hợp đồng có công chứng chứng thực… Bị cáo còn cho rằng những giấy tờ phát sinh sau này là do con dấu của công ty bị cáo tự nhiên “bay” sang Công ty Long Thịnh!
Một số bị hại tại tòa cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của công chứng viên trong các hợp đồng giao dịch giữa bị hại và bị cáo Kiệt. Tuy nhiên, tòa giải thích rằng không thể buộc trách nhiệm công chứng viên vì ở đây Kiệt đã làm giả mọi giấy tờ để “qua mặt” công chứng. Kiểm sát viên cũng giải thích, trường hợp này việc công chứng bị vô hiệu do Kiệt đã lừa dối ngay từ đầu.