Bị chồng cũ ép phạm tội

Lê Phước Thọ và Nguyễn Thị Hòa (ngụ huyện Dĩ An, Bình Dương) vốn là vợ chồng. Năm 2009, theo thỏa thuận ly hôn tại tòa, Hòa nuôi con chung (SN 2006), tài sản chung không có nên không yêu cầu. Đường ai nấy đi, Hòa thuê phòng trọ bán cà phê vỉa hè nuôi con, Thọ không chu cấp tiền bạc và thăm hỏi gì.

Dùng giấy đỏ giả lừa đảo

Sau khi lên TP.HCM nhờ người làm giả nhiều giấy đỏ, Thọ quay về huyện Dĩ An tìm người cần mua đất để lừa đảo. Từ tháng 5 đến tháng 10-2011, bằng thủ đoạn dùng các giấy đỏ giả để ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc thế chấp vay tiền, Thọ đã lừa được sáu người, chiếm đoạt 2,4 tỉ đồng.

Các hợp đồng chuyển nhượng, thế chấp đều được ký tại các phòng công chứng nhà nước số 1 và số 2 của Bình Dương. Các nạn nhân chỉ biết mình bị lừa sau khi đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Dĩ An yêu cầu đăng bộ và được nơi đây cho biết là giấy đỏ giả.

Hơn một năm sau khi khởi tố Thọ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố Hòa với vai trò đồng phạm giúp sức. Bởi lẽ trong sáu lần lừa đảo thì có bốn lần Thọ nhờ Hòa ra phòng công chứng để ký vào hợp đồng chuyển nhượng hoặc thế chấp. Theo cáo trạng, bằng việc ký bốn hợp đồng, Hòa đã giúp sức cho Thọ lừa đảo hơn 1,4 tỉ đồng và phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này. Do tài sản lừa đảo hơn 500 triệu đồng nên Thọ và Hòa bị truy tố theo khoản 4 Điều 139 BLHS (có khung hình phạt từ 12 năm tù, 20 năm tù hoặc tù chung thân).



Bị cáo Hòa (trái) ôm mẹ đang khóc ngất sau khi tòa tuyên án. Ảnh: THANH TÙNG

Tình ngay, lý gian

Ngày 6-12, Hòa dắt theo đứa con nhỏ đến phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, nước mắt chảy dài. Trước tòa, Hòa khai do Thọ dọa nếu không đi ký công chứng thì sẽ bắt cóc con nên mới làm theo. Hòa chỉ học đến lớp 3 nên không hiểu biết pháp luật, vì sợ Thọ nên phải theo ra phòng công chứng chứ không biết làm như vậy là phạm tội. Cả bốn lần Hòa chỉ ký xong rồi về, không biết mục đích Thọ làm gì, không đọc hợp đồng mua bán, không nhận tiền của người mua, không được gì và cũng không đòi hỏi Thọ cho đồng nào.

Tòa hỏi: “Không biết mục đích, không ăn chia tiền bạc gì thì lỡ dại một lần chứ sao lại đi ký tới bốn lần?”. Hòa đáp: “Bị cáo chỉ nghĩ trong bụng chắc là ông Thọ bán đi bán lại kiếm lời, trái ý thì sợ ông đánh, bắt con nên nhắm mắt làm theo…”.

Về phần mình, Thọ thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và xin tòa xem xét tuyên Hòa không phạm tội. Thọ nói thực tế Hòa không biết ý định lừa đảo của mình, do sợ Thọ hành hung, trả thù nên Hòa phải nghe theo (trước đó do Thọ quá vũ phu, hay đánh đập nên Hòa mới xin ly hôn). Hai người không bàn bạc gì, cũng không chia chác tiền bạc, Thọ hưởng hết số tiền lừa được.

Lý giải vì sao phải yêu cầu Hòa ký công chứng, Thọ nói do công chứng viên yêu cầu bởi những giấy đỏ giả đều ở thời điểm năm 2002-2006 (thời kỳ còn hôn nhân với Hòa). Thọ khai trong sáu lần đi công chứng thì bốn lần công chứng viên yêu cầu phải có chữ ký của vợ cũ nên mới ép Hòa làm theo. Theo Thọ, mỗi hồ sơ Thọ đều trưng ra thỏa thuận ly hôn với nội dung hai bên không có tài sản chung nhưng công chứng viên vẫn yêu cầu. “Bị cáo không có ý cố tình đưa vợ cũ vào con đường tù tội nhưng do mờ mắt trước đồng tiền nên làm đại” - Thọ nói.

Các nạn nhân cũng khai chỉ gặp Hòa ở phòng công chứng theo yêu cầu của công chứng viên chứ không trực tiếp giao dịch mua bán hay tiền bạc với Hòa.

“Nếu luật cho phép, tôi đã đề nghị án treo”

Luật sư bào chữa cho Hòa phân tích: Không thể quy vai trò đồng phạm với Hòa bởi Hòa không bàn bạc và có ý thức chiếm đoạt tài sản từ đầu. Bị cáo không ý thức được hậu quả của việc ký công chứng, không hưởng lợi vật chất... Ngoài ra, hoàn cảnh bị cáo rất khó khăn, đang nuôi con nhỏ, nhận thức pháp luật rất hạn chế, chỉ vô tình phạm tội nên không đáng xử lý hình sự mà chỉ cần xử phạt hành chính. Thực chất Hòa cũng là nạn nhân trong vụ án vì đã bị Thọ dùng lời đe dọa để lừa gạt ký công chứng. Từ đó, luật sư đề nghị tòa tuyên Hòa không phạm tội...

Theo đại diện VKSND tỉnh Bình Dương, Hòa không cố ý chủ động phạm tội mà bị Thọ yêu cầu làm theo, trong ý chí cũng không có mục đích tư lợi và hiểu biết hạn chế. Tuy nhiên, Hòa vẫn có hành vi giúp sức cho Thọ lừa đảo bởi dù biết rõ rằng hai vợ chồng không có tài sản trong thời kỳ hôn nhân nhưng Hòa vẫn vô tư ký vào các hợp đồng với tư cách là vợ của Thọ. Hòa phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình bởi pháp luật buộc Hòa phải biết hành vi nào là tội phạm, không thể vì lý do thiếu hiểu biết mà được miễn trừ trách nhiệm hình sự. Từ đó VKS đề nghị tòa phạt Thọ từ 15 năm đến 17 năm tù, Hòa từ bảy năm đến tám năm tù.

Đáng chú ý là lời chia sẻ sau đó của kiểm sát viên đã khiến những người dự khán phiên tòa xúc động: “Thật lòng về tình cảm, không ai muốn xử tù bị cáo Hòa nhưng về lý thì bị cáo đã vi phạm pháp luật hình sự. Chúng tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh của bị cáo nên đã vận dụng Điều 47 BLHS để đề nghị tòa phạt mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề (tức khoản 3 - NV). Nếu luật cho phép, tôi sẵn sàng đề nghị cho bị cáo hưởng án treo nhưng lại không thể...”. (Theo luật, bị cáo chỉ được hưởng án treo nếu bị phạt tù không quá ba năm, trong khi khung hình phạt liền kề, tức khoản 3 có mức hình phạt thấp nhất là bảy năm tù.)

Sau một ngày xét xử, cuối cùng TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt Thọ 17 năm tù, tổng hợp hình phạt hai bản án trước đó của bị cáo cùng về tội lừa đảo, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 29 năm tù. Tòa phạt Hòa mức thấp nhất của khoản 3 là bảy năm tù và buộc liên đới cùng Hòa bồi thường cho các nạn nhân hơn 1,4 tỉ đồng.

Trách nhiệm “người gác cửa”

Tại tòa, luật sư của Hòa còn yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo hướng làm rõ trách nhiệm của ba công chứng viên trong việc công chứng sáu hợp đồng toàn giấy đỏ giả. Chức trách và nhiệm vụ của họ là “người gác cửa”, có trách nhiệm xác minh để phát hiện ra giấy tờ là giả hay thật trước khi công chứng hợp đồng nhưng chỉ trong năm tháng, Thọ có thể dễ dàng qua mặt họ để thực hiện trót lọt sáu vụ lừa đảo.

Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương có công văn khẳng định ba công chứng viên trên đã làm đúng nghiệp vụ, tuân thủ đúng quy trình, thủ tục. Song thực tế các nạn nhân chỉ cần làm một động tác đơn giản là mang hợp đồng sang UBND thị xã yêu cầu đăng bộ thì phát hiện ngay giấy đỏ giả.

Tại tòa, Hòa khai cả bốn lần ký đều không được công chứng viên giải thích gì về quyền và nghĩa vụ, tất cả đều theo sự sắp đặt của Thọ và “cò”. Một chi tiết khác: Các giấy đỏ giả đều ghi cấp trong thời kỳ hôn nhân của Thọ và Hòa nhưng chỉ bốn lần công chứng viên yêu cầu Thọ phải đưa Hòa đến ký, hai lần khác thì không.

Theo kiểm sát viên, cơ quan điều tra và VKS tỉnh sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các công chứng viên trong vụ án. Thiết nghĩ đây là việc cần thiết để ngăn ngừa những sự cố tương tự sau này. 

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới