Bị hủy án vì công nhận hợp đồng vô hiệu

Ngày 9-4, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông D. (nguyên đơn) và cha con ông T. (bị đơn) do có kháng cáo của cả hai bện nguyên, bị và kháng nghị của VKS.

Sơ thẩm: Vừa công nhận vừa xét lỗi

Theo hồ sơ, ông D. khai năm 1999 ông và chị gái hùn tiền chuyển nhượng hơn 5.800 m2 đất của ông T. với giá 63 chỉ vàng. Ông T. cho lại ông hai chỉ vàng để san ủi mặt bằng nên chỉ nhận 61 chỉ vàng 24K. Hai bên có lập giấy tay năm 1999, đến năm 2001 ra xã xác nhận.

Khi mua, ông D. có biết giấy đất đang thế chấp ngân hàng và ông T. có nói trong ba ngày sẽ lấy giấy về làm cho ông nhưng không làm cho đến nay. Hiện đất này được ông T. chuyển lại cho con gái là bà H. Bà H. đã thế chấp ở ngân hàng… Vì vậy ông D. khởi kiện yêu cầu cha con ông T. tiếp tục thực hiện hợp đồng để ông toàn quyền sử dụng đất này.

Phía bị đơn trình bày trước đây chỉ cầm cố đất cho chị ông D. chứ không chuyển nhượng. Nay bà H. đồng ý tiếp tục chuyển nhượng cho ông D. với điều kiện ông D. trả cho bà thêm 110 triệu đồng…

Xử sơ thẩm tháng 8-2017, TAND huyện Thới Lai nhận định có cơ sở nhận định hợp đồng chuyển nhượng đất nhưng việc giao dịch chưa đầy đủ. Cụ thể, đất hộ nhưng chỉ có chữ ký của ông T., còn vợ ông T. do người khác ký giùm. Giấy đất thế chấp ở ngân hàng nhưng vẫn chuyển nhượng…

“Lẽ ra xét hợp đồng vô hiệu, hủy hợp đồng, vàng trả vàng, đất trả đất nhưng ông D. vẫn yêu cầu thực hiện hợp đồng, cha con ông T. cũng đồng ý chuyển nhượng tiếp cho ông D. nên ổn định diện tích đất cho ông D. sử dụng” - bản án sơ thẩm nhận định.

Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại xét lỗi và cho rằng cả hai bên cùng có lỗi nên mỗi bên phải chịu trách nhiệm 1/2 hậu quả xảy ra của giá trị đất hiện tại theo giá nhà nước. Từ đó, tòa tính ông D. đã trả 61 chỉ vàng tương đương giá vàng hiện tại là hơn 207 triệu đồng. Giá đất diện tích hơn 5.800 m2 là hơn 410 triệu đồng. Lấy giá đất trừ đi giá vàng đã thanh toán ra chênh lệch hơn 203 triệu đồng. Lỗi hai bên nên ông D. phải trả cho bà H. hơn 101 triệu đồng và bà H. có nghĩa vụ ký giấy tờ hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho ông D.

Phúc thẩm: Nhận định của tòa sơ thẩm mâu thuẫn

Ông D. kháng cáo yêu cầu hủy hợp đồng vì vô hiệu, giải quyết theo hợp đồng vô hiệu và bị đơn phải bồi thường thiệt hại. Bị đơn kháng cáo yêu cầu nếu tiếp tục thì nguyên đơn phải trả thêm 110 triệu đồng hoặc hủy hợp đồng thì trả cho nhau những gì đã nhận. VKSND huyện Thới Lai kháng nghị theo hướng tuyên hợp đồng vô hiệu.

Theo TAND TP Cần Thơ, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện có chuyện chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn và bị đơn. Tờ chuyển nhượng bằng tay chỉ có xác nhận về chữ ký của trưởng ấp mà không xác nhận về nội dung thỏa thuận của tờ chuyển nhượng nên không đúng hình thức của hợp đồng theo quy định BLDS và Luật Đất đai. Hơn nữa tại thời điểm chuyển nhượng, bị đơn thừa nhận đã dùng giấy đỏ thế chấp ở ngân hàng. Theo quy định, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T. và ông D. bị vô hiệu về mặt nội dung do vi phạm điều cấm.

Tòa sơ thẩm nhận định hợp đồng giữa ông T. và ông D. vô hiệu nhưng vẫn công nhận hợp đồng chuyển nhượng với lý do các bên vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng là không đúng. Bởi lẽ khi giải quyết vụ án, ông D., bà H. đều đồng ý tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng với điều kiện ông D. phải trả thêm cho bà H. 110 triệu đồng.

Mặt khác, phần nhận định của bản án sơ thẩm có sự mâu thuẫn, công nhận việc chuyển nhượng đất giữa ông D. và ông T. là có hiệu lực nhưng lại tính phần lỗi của mỗi bên dẫn đến hợp đồng vô hiệu để buộc nguyên đơn trả thêm số tiền hơn 101 triệu đồng. Ngoài ra, án sơ thẩm có một số thiếu sót về tố tụng như công khai quyết định về định giá tài sản. Tòa sơ thẩm không tiến hành thủ tục kiểm tra, giao nộp giấy tờ, công khai chứng cứ là vi phạm Điều 208 BLTTDS năm 2015. Văn bản nêu ý kiến của ngân hàng do người đại diện ủy quyền ký là không hợp lệ vì hồ sơ không có văn bản thể hiện người đại diện theo pháp luật của ngân hàng ủy quyền cho người này.

Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng những thiếu sót như trên là vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên chấp nhận đề nghị của VKS, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án về cho TAND huyện Thới Lai giải quyết lại theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới