Bị hủy án vì xử vắng mặt bị hại

Mới đây, xử phúc thẩm vụ án Lê La Phênh cố ý gây thương tích, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên hủy án sơ thẩm do cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Nghe “méc” là kéo đi đánh

Theo án sơ thẩm, chiều 18-1-2014, bị cáo Phênh (32 tuổi, ngụ xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) đang uống rượu tại nhà chú vợ cùng với Nguyễn Văn Hòa và hai người bạn khác. Lúc này, Nguyễn Quốc Tính gọi điện thoại cho Phênh “méc” bị anh Dương Tấn Sỹ dẫn người đến nhà cha vợ Tính tại Gò Công Tây để tìm Tính đòi tiền.

Phênh kêu Tính dẫn mình đến nhà anh Sỹ. Sau đó, Phênh, anh Hòa cùng hai bạn nhậu đi gặp Tính rồi cả năm người kéo đến nhà anh Sỹ. Đến nơi, giữa Tính và anh Sỹ cự cãi, Tính dùng tay đánh hai cái vào mặt anh Sỹ, Hòa cũng dùng tay đánh một cái vào vai anh Sỹ nhưng không có thương tích. Lúc này, Phênh nhặt một khúc gỗ vuông tại chuồng heo của anh Sỹ đánh một cái trúng vào trán anh Sỹ gây thương tích. Thấy vậy, hai người bạn đi theo vào can ngăn rồi tất cả bỏ về.

Qua giám định, anh Sỹ bị thương tích 5%. Sau đó, Phênh bị VKSND huyện Tân Phú Đông truy tố về tội cố ý gây thương tích theo điểm a và điểm i khoản 1 Điều 104 BLHS.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Tân Phú Đông cho rằng anh Sỹ bị Tính và Hòa dùng tay đánh nhưng không gây thương tích. Việc bị cáo Phênh cùng Tính, Hòa đánh anh Sỹ là do bột phát, không có bàn tính trước, không có dấu hiệu đồng phạm. Bản thân Tính cũng đã bị xử lý hành chính và đã tự nguyện xin bồi thường tiền thuốc 2 triệu đồng nên chỉ xem xét trách nhiệm dân sự đối với Tính. Riêng Hòa, do quá trình điều tra, xác minh đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính nên chỉ giáo dục nhắc nhở.

Còn Phênh, tòa cho rằng bị cáo này phạm tội thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm (trước đó bị cáo đã có hai tiền án chống người thi hành công vụ và cố ý gây thương tích). Từ đó tòa tuyên xử bị cáo 14 tháng tù.


Bị cáo Lê La Phênh trước tòa phúc thẩm. Ảnh: HOÀNG NAM

Hủy án để làm rõ vai trò chủ mưu

Bản án này không bị VKSND kháng nghị nhưng người bị hại kháng cáo.

Điều đáng nói là trước đó, luật sư đại diện cho anh Sỹ (người bị hại) đã có đơn xin hoãn phiên tòa nhưng tòa sơ thẩm cho rằng lý do không thuộc trường hợp phải hoãn. Tòa cho rằng sự vắng mặt của luật sư đại diện cho anh Sỹ không ảnh hưởng đến việc xét xử nên không có cơ sở xem xét hoãn.

“Hôm tòa xét xử lưu động, dân ở xã ai cũng biết, chỉ có mình gia đình tôi là không hay biết. Đến khi tòa xử xong tôi mới biết kết quả nên tôi kháng cáo” - anh Sỹ nói.

HĐXX phúc thẩm nhận định cơ quan CSĐT công an huyện lẫn tòa cấp sơ thẩm chưa cho các đối tượng đối chất, làm rõ một số tình tiết quan trọng như Tính có phải là kẻ chủ mưu gọi nhờ bị cáo Phênh đi đánh anh Sỹ không. Khúc cây gây án bị cáo khai nhặt tại chuồng heo nhà anh Sỹ nhưng anh Sỹ khẳng định khu vực chuồng heo nhà mình không có khúc cây nào giống vậy. Từ đó, tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì người bị hại phải có mặt

Ông Trương Văn Sang, Phó Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang, cho biết án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên cần phải hủy để điều tra, xét xử lại từ đầu. “Trường hợp này vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên việc tòa xử mà không có mặt của người bị hại là không đúng” - ông Sang nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm