Bị khởi tố mà vẫn làm tổng giám đốc công ty là không ổn

Sự việc ông Phạm Anh Kiệt, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco), bị khởi tố hình sự nhưng vẫn điều hành công ty thu hút sự chú ý của dư luận. Để có cái nhìn cụ thể hơn, Pháp Luật TP.HCM giới thiệu phân tích của các chuyên gia về tình huống này ở góc độ pháp lý và thực tiễn.

UBND TP yêu cầu báo cáo vụ việc

Ngày 14-12, chúng tôi liên hệ Sở Tư pháp thì được đại diện sở này cho biết vụ việc được UBND TP giao cho Sở Nội vụ. Một lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết thêm Sở cũng chỉ vừa nhận được chỉ đạo của UBND TP yêu cầu nắm lại vụ việc để báo cáo cho UBND TP. Vì thế hiện nay Sở Nội vụ chưa có thông tin và chưa thể đưa ra ý kiến về vụ việc.

Trước đó, ông Lê Văn Quê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Sapharco, lý giải với phóng viên: “Chuyện của ông Kiệt xảy ra trước khi ông về Sapharco và không liên quan gì đến Công ty Sapharco. Ông Kiệt đã bị đình chỉ công tác Đảng nhưng về việc lãnh đạo công ty thì chúng tôi còn chờ quyết định của UBND TP”.

Như chúng tôi đã nêu, ngày 25-11, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố ông Kiệt (được tại ngoại) vì giúp sức trong vụ làm giả con dấu trong vụ nhập khẩu thuốc của Công ty VN Pharma. Ông Kiệt từng là phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Trung ương 2 (Codupha) rồi làm tổng giám đốc Công ty Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma). Đầu năm 2014, ông Kiệt được UBND TP bổ nhiệm làm tổng giám đốc Sapharco…

Ông Phạm Anh Kiệt (trái) trong ngày nhận chức tổng giám đốc Sapharco. (Nguồn: Sapharco)

Luật không cấm

TS Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án của tòa tuyên người đó có tội có hiệu lực pháp luật. Người bị khởi tố, thậm chí bị tạm giam chỉ bị hạn chế một số quyền chứ không mất hết quyền công dân và không bị cấm điều hành công ty. “Khởi tố bị can là bước đầu để cơ quan điều tra tiến hành điều tra xem hành vi của người đó có cấu thành tội phạm không. Kết quả điều tra sẽ diễn ra theo hai hướng hoặc họ bị kết án hoặc họ bị khởi tố oan. Việc này phải do tòa án quyết định bằng bản án có hiệu lực” - TS Tuấn nói.

Cũng theo TS Tuấn, có thể với công ty mang yếu tố nhà nước thì còn bị ràng buộc bởi các quy định hành chính nội bộ. Nhưng đối với các công ty tư nhân thì chuyện người đứng đầu bị khởi tố mà vẫn điều hành công ty là bình thường nếu như họ được tại ngoại.

ThS Nguyễn Đình Thắm, khoa Tội phạm học và điều tra tội phạm Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM, viện dẫn Điều 128 Bộ luật Hình sự quy định: Khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì cơ quan điều tra, VKS có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạm đình chỉ chức vụ của bị can. Trong vòng bảy ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức này phải trả lời bằng văn bản. “Như vậy, quy định này không bắt buộc mọi trường hợp bị khởi tố là đương nhiên bị đình chỉ chức vụ” - ông Thắm nói.

Theo ThS Thắm, trong khi vụ này Sapharco cho biết chuyện của ông Kiệt xảy ra trước khi ông về Sapharco và không liên quan gì đến công ty. Ngoài ra, đến lúc này cơ quan điều tra và VKS cũng chưa có kiến nghị tạm đình chỉ chức vụ với ông Kiệt. Do đó không có quy định nào của pháp luật cấm ông Kiệt tiếp tục điều hành công ty trong giai đoạn này.

Nhưng không nên

Luật sư Nguyễn Thế Phong - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An cho rằng luật không cấm song người bị khởi tố không nên tiếp tục giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước. Bởi vì việc họ bị khởi tố sẽ gây ảnh hưởng đến công việc, nhất là việc điều hành công ty. Họ không còn đủ tỉnh táo để giữ đầu óc minh mẫn và tinh thần làm việc tốt như bình thường nên dễ nảy sinh tiêu cực. Việc này còn không có lợi về mặt kinh doanh, sản xuất do các đối tác sẽ không còn mạnh dạn ký hợp đồng với công ty khi biết người đứng đầu công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đã bị khởi tố. Vì thế công ty đó nên tạm thời ngưng chức vụ của người này để giao cho người khác tạm phụ trách, điều hành.

“Việc tạm đình chỉ chức vụ thể hiện sự thận trọng trong quản lý của cơ quan nhà nước, tránh những thiệt hại tiếp theo có thể xảy ra cho công ty” - luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP.HCM, bổ sung.

Theo luật sư Ly Tao, một người được cơ quan nhà nước bổ nhiệm chức vụ đứng đầu phải có tố chất và phẩm chất đạo đức nhất định, được tuyển chọn kỹ. Nhưng khi họ có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì uy tín của họ và cơ quan bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều người nhìn vào đó đánh giá nhiều góc độ khác nhau. Cách tốt nhất là nên tạm đình chỉ chức vụ để chờ kết quả điều tra truy tố và xét xử. Nếu tòa kết luận người đó không phạm tội thì tiếp tục phục hồi chức vụ cũng không muộn.

THANH TÙNG

Hành vi bị khởi tố liên quan đến buôn lậu

Tháng 9-2014, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố vụ án và khám xét tại Công ty VN Pharma để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan tới hành vi buôn lậu của ông Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) và ông Võ Mạnh Cường (quận 7) vì có liên quan đến vụ nhập lậu thuốc. Sau đó, công an khởi tố thêm một số người khác tại Công ty VN Pharma cùng hành vi buôn lậu.

Theo tài liệu, từ tháng 4-2014, cơ quan chức năng đã bắt giữ lô thuốc trị ung thư trị giá 750.000 USD nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Bị can Hùng, Cường được xem là chủ mưu, còn những người còn lại đã giúp sức, thực hiện từng công đoạn trong việc nhập khẩu, thanh toán, chuyển trả tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm