Bị kiện vì chặt cây người khác trồng trên đất của mình

Mới đây, TAND tỉnh Lạng Sơn đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và thanh toán giá trị tài sản trên đất giữa nguyên đơn là ông S và bị đơn là ông M. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của cả hai ông. Tài sản ở đây là 106 cây hồi bị chặt và 154 cây hồi còn sống.

Trồng hàng trăm cây hồi trên đất người khác

Theo hồ sơ, ông S trình bày năm 2000, vợ chồng ông trồng 160 cây hồi tại khu đất rừng trên địa bàn xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, Lạng Sơn. Sau đó, hằng năm vợ chồng ông tiếp tục trồng dặm thêm và chăm sóc những cây đã trồng. Đến năm 2014, cây hồi của ông bắt đầu sai quả và được thu hoạch. Từ đó, hằng năm ông vẫn tiếp tục chăm sóc và hái quả.

Hình minh họa

Quá trình ông trồng và chăm sóc cây hồi, không có ai đến tranh chấp với ông. Ông cũng không biết đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai hay chưa. Ông thấy đất bỏ hoang nên mang cây đến trồng.

Ngày 20-2-2019, ông phát hiện cây hồi mình trồng bị chặt phá nên đã báo cho trưởng thôn, công an và trạm biên phòng biết để lập biên bản hiện trường về việc bị chặt phá cây hồi… Sau đó, ông biết ông M là người đã chặt phá cây hồi và ông M đã thừa nhận việc này.

Do công an có văn bản trả lời hành vi của ông M không cấu thành tội phạm nên ông khởi kiện yêu cầu ông M phải bồi thường toàn bộ 106 cây hồi đã chặt và thanh toán giá trị 154 cây hồi còn sống ông đã trồng trên đất của ông M với giá 2 triệu đồng/cây, tổng số tiền là 520 triệu đồng.

Bị đơn là ông M trình bày năm 1998, vợ chồng ông được Nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng với hai lô đất (cấp sổ bìa xanh). Từ đó, vợ chồng ông quản lý sử dụng liên tục.

Năm 2000, ông S và một số người khác trồng hồi trên đất của ông, ông có nhắc nhở và yêu cầu di dời đi nơi khác trồng nhưng chỉ nói miệng với nhau, không đi báo chính quyền đến lập biên bản.

Năm 2016, ông S tiếp tục trồng hồi và ông cũng đã đến nhắc nhở là không được trồng trên đất của ông, nếu không ông sẽ chặt hết. Vào khoảng năm 2018, khi lên rừng phát cây để chia đất rừng cho các
con, ông đã chặt những cây hồi có trên đất của ông.

Quá trình xác minh, điều tra, ông cũng thừa nhận có chặt những cây hồi nằm trên diện tích đất của ông đã được Nhà nước cấp sổ bìa xanh, số lượng chặt bao nhiêu cây ông không biết.

Ông thừa nhận những cây hồi trên đất không phải do ông trồng. Ông cho rằng ông S không có đất ở khu vực này, chưa được sự đồng ý của ông đã tự ý trồng hồi trên đất của ông. Mặc dù đã bị ông nhắc nhở, yêu cầu chuyển đi chỗ khác nhưng ông S không chuyển. Vì vậy ông không đồng ý bồi thường cho ông S, yêu cầu ông S chuyển 154 cây hồi đi chỗ khác trồng.

Tòa án đã thẩm định tại chỗ, xác định cây hồi nằm trong ranh giới lô đất của ông M được cấp giấy gồm 156 cây. Trong đó, hai cây bị chặt, 154 cây còn sống. Đối với 456 cây hồi ông S trồng trên đất không phải của ông M thì có 104 cây bị chặt.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Đình Lập đã chấp nhận một phần yêu cầu của ông S, buộc ông M phải bồi thường cho ông S tổng số tiền do chặt cây hồi và thanh toán giá trị cây hồi còn sống là 84,55 triệu đồng. Ông M được sở hữu 154 cây hồi…

Sau đó, cả hai ông đều kháng cáo. Ông S yêu cầu được bồi thường với giá 2 triệu đồng/cây; không chấp nhận số tiền chi phí tố tụng. Ông M yêu cầu sửa án, không đồng ý bồi thường hơn 84 triệu đồng cho ông S vì đất của ông được cấp giấy từ năm 1998; yêu cầu được sở hữu 154 cây hồi.

Có lỗi vì không cản mà chặt

Tòa phúc thẩm nhận định ông S kháng cáo yêu cầu ông M bồi thường 100% giá trị cây hồi bị chặt và cây hồi còn sống trên đất của ông M là có cơ sở.

Cụ thể, năm 2000, ông S đã trồng cây hồi trên một lô đất của ông M rồi trồng dặm vào các năm sau đó. Tuy nhiên, ông M không có ý kiến gì về việc này, cũng không đi báo thôn, xã tiến hành lập biên bản, hay nhờ chính quyền can thiệp việc ông S trồng cây trái phép trên đất của mình đã được Nhà nước giao quyền quản lý sử dụng đất. Như vậy, ông M đã mặc nhiên cho ông S trồng cây hồi trên đất của mình.

Đến năm 2018, ông M mới đi chặt phá cây hồi do ông S trồng. Như vậy, tính đến thời điểm sự việc xảy ra đã là 18 năm. Ngoài ra, tòa phúc thẩm cho rằng phần nhận định và quyết định của cấp sơ thẩm chưa đảm bảo căn cứ.

Cạnh đó, tòa cho rằng ông S yêu cầu ông M bồi thường 520 triệu đồng là không có cơ sở. Các bên không thống nhất về giá cây hồi và thực tế tại địa phương không có hộ gia đình cá nhân chuyển nhượng cây hồi cho nhau. Vì vậy, hội đồng định giá lấy giá do UBND tỉnh ban hành năm 2017, 2018 đối với cây trồng áp dụng trong công tác bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để định giá cây hồi là có căn cứ. Mặt khác, những cây hồi này được trồng vào nhiều thời gian khác nhau nên có giá trị khác nhau.

Tòa cho rằng kháng cáo của ông M không có căn cứ, vì quá trình xảy ra vụ việc ông đã thừa nhận việc chặt cây của ông S. Cạnh đó, ông M có lỗi vì để ông S trồng cây trên đất của mình mà không có biện pháp ngăn cản. Tòa sơ thẩm đã xác minh tính khả thi của việc di dời cây hồi thì thấy việc di dời tốn kém, khả năng sống thấp, không khả thi…

Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên buộc ông M phải bồi thường và thanh toán giá trị cây hồi cho ông S tổng cộng 108,5 triệu đồng. Ông M được sở hữu 154 cây hồi nằm trên lô đất của ông.

Ông S phải chịu chi phí tố tụng đối với phần yêu cầu không được chấp nhận (411,5 triệu đồng) là hơn 6,9 triệu đồng. Ông M phải chịu chi phí tố tụng là hơn 1,9 triệu đồng. Cả hai ông được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới