Bí mật đời tư bệnh nhân nhìn từ văn bản của Sở Y tế

Việc Sở Y tế TP.HCM ban hành văn bản khẩn đề nghị một số bệnh viện (BV), cơ quan, tổ chức, cá nhân hãy tôn trọng và bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền riêng tư liên quan đến bệnh nhân (BN) COVID-19 gợi nhiều suy nghĩ tích cực cho nhiều giới, nhiều ngành.

Công văn nội bộ nhưng sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn

Trước hết, về thẩm quyền ban hành văn bản, đây là công văn nội bộ của Sở Y tế gửi các đơn vị trực thuộc đó là các BV, các khu cách ly của TP nên người dân không vào các BV không phải là đối tượng bị tác động bởi công văn này.

Đồng thời Sở Y tế cũng không làm thay Sở TT&TT mà chỉ lưu ý, nhắc nhở nhân viên và những người đang ở trong khuôn viên của BV, nhất là các BV dã chiến, nhằm hạn chế thấp nhất các vi phạm sẽ xảy ra. Còn việc xử lý vi phạm sẽ do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện theo quy định.

Hình ảnh riêng tư của các bệnh nhân COVID-19, những người đang cách ly… cần được tôn trọng, bảo vệ. Ảnh: LÊ ÁNH

Việc sử dụng hình thức văn bản công văn là phù hợp, vì mục đích nhắc nhở để chấn chỉnh những hành vi có khả năng vi phạm pháp luật chứ không phải là đưa ra quy định mới nào cả. Bởi lẽ những vấn đề này đã được pháp luật quy định, chỉ là quá trình thực thi pháp luật chưa nghiêm nên hành vi vi phạm vẫn còn nhiều.

Quyền riêng tư của BN và lời thề Hippocrates

Về nội dung, thứ nhất, Sở Y tế chỉ nhắc nhở nhân viên y tế và người dân không phát tán hình ảnh, bài viết không rõ nguồn và sai sự thật gây hoang mang dư luận. Toàn bộ nội dung văn bản cũng không có quy định nào ngăn cản quyền tự do thông tin của đội ngũ nhân viên y tế cả.

Đây là việc làm phù hợp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh rất phức tạp, cả xã hội đang quan tâm nhiều đến thông tin từ ngành y tế nên cần cẩn trọng, tránh đưa thông tin chưa kiểm chứng gây hoang mang dư luận. Bởi khi thông tin sai lệch sẽ gây lo lắng cho người dân, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực công (vì khi đó nhà quản lý phải tốn thời gian kiểm tra).

Thứ hai, Sở Y tế lưu ý người dân và cán bộ, nhân viên y tế chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của BN và các quy định về cung cấp, đăng tải thông tin trên mạng xã hội (MXH) để tạo ổn định tình hình an ninh trật tự.

Nội dung chấn chỉnh là rất đúng, bởi vấn đề tôn trọng quyền hình ảnh cá nhân, quyền riêng tư của BN đang ngày càng bị xâm phạm, do bất kỳ ai cũng có smartphone (điện thoại thông minh) với đầy đủ chức năng quay phim, ghi âm, ghi hình và nếu có Internet thì nhiều người còn phát trực tiếp (livestream) nữa. Nội dung này đề cập đến hai nhóm:

i) Yêu cầu nhân viên y tế tôn trọng quyền riêng tư của BN, vì thực tiễn, nhiều bác sĩ vẫn hay chụp ảnh BN, toa thuốc, phiếu xét nghiệm của BN mà chưa xin phép rồi đưa lên MXH hoặc không che thông tin cần thiết để bảo vệ sự riêng tư.

Thậm chí có trường hợp bác sĩ còn so sánh hình ảnh trước và sau phẫu thuật thẩm mỹ khi chưa có sự đồng ý của BN. Không chỉ pháp luật bảo vệ quyền riêng tư của BN, mà ngành y còn thực hiện lời thề Hippocrates còn phải tuyên thệ về việc giữ bí mật, rằng “bất kỳ một điều gì tôi nghe hoặc thấy mà có liên quan đến BN hoặc thậm chí chỉ liên quan một phần - những điều không nên bàn tán, tôi sẽ giữ im lặng và coi đó là những điều bí mật thiêng liêng, không xâm phạm, trọn đời tôi chỉ là thực thi chuyên môn”.

(ii) Yêu cầu BN, người nhà BN tôn trọng BN khác và đội ngũ y tế bởi nhiều hình ảnh của các bác sĩ, BN bị chụp lại, quay phim rồi đưa lên MXH một cách hồn nhiên.

Đây là điều rất đáng bàn, đáng suy ngẫm trong một xã hội hiện đại mà người ta sẵn sàng chĩa điện thoại, máy ảnh để ghi lại mọi thứ, từ việc cấp cứu BN đến tai nạn thương tâm. Thậm chí không ít người còn livestream người chết từ nhà xác đến cả đám tang, nhất là người nổi tiếng… chỉ để thỏa mãn trí tò mò hoặc vì mục đích câu view.

Một văn bản nhân văn, cần thiết

Ngày 18-7, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn số 4690 gửi các BV dã chiến, BV điều trị COVID-19, khu cách ly y tế trên địa bàn TP.HCM và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Công văn của sở lưu ý người dân và cán bộ, nhân viên y tế chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của BN và các quy định về cung cấp, đăng tải thông tin trên MXH. 

Từ đề nghị của Bộ TT&TT đến văn bản khẩn của Sở Y tế

Việc người không liên quan quay lại clip cảnh BN COVID-19 qua đời, rồi đưa lên MXH mà chưa được phép của gia đình BN là hành vi vi phạm quyền riêng tư. Theo quy định, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Hơn nữa, việc chụp ảnh, quay phim hoạt động của đội ngũ y, bác sĩ trong BV khi chưa được phép không chỉ vi phạm quyền riêng tư mà còn ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp của họ. Bởi vì khi có quay phim, chụp ảnh, các nhân viên y tế sẽ không tập trung để thực hiện tốt các thao tác y khoa. Thử tưởng tượng trong quá trình cấp cứu mà có nhiều người quay phim, chụp ảnh thì tâm lý bác sĩ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 suốt từ năm ngoái tới nay, quyền riêng tư của rất nhiều BN chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị xâm phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Không ít tờ báo tại Việt Nam (dù vô tình) cũng đã tiếp tay cho hành vi vi phạm quyền riêng tư như đăng lịch trình, quá trình tiếp xúc của người nghi nhiễm lên báo kèm với những cái tít giật gân đến nỗi người nhà BN phải lên tiếng.

Rất may là việc công khai lịch trình đi lại của BN đã được điều chỉnh, khi ngày 20-5-2021, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị không công bố các thông tin về BN mà chỉ khuyến cáo các địa điểm có nguy cơ dịch tễ. Văn bản này rất cần thiết và quan trọng, góp phần bảo vệ quyền riêng tư của BN.

Nay với văn bản khẩn của Sở Y tế TP.HCM, có thể thấy quyền riêng tư của BN ngày càng được quan tâm đúng mực. 

(*) TS Thái Thị Tuyết Dung hiện là giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Quyền tự do báo chí không được “xâm lấn” quyền riêng tư

Mối quan hệ giữa quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí vẫn là một vấn đề còn gây tranh cãi về mặt lý luận và pháp lý. Vì vậy, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay, để tôn trọng quyền riêng tư của mọi người, không chỉ là BN, cần có quá trình tuyên truyền liên tục cũng như xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm.

Ở môi trường giáo dục, cần giáo dục học sinh tôn trọng quyền riêng tư. Một người từ khi còn bé được truyền đạt về quyền riêng tư, về phẩm giá của bản thân, không được xâm phạm quyền riêng tư của người khác thì khi lớn lên sẽ có phản xạ ứng xử tốt, tạo môi trường tôn trọng chung. Nếu cuộc sống hằng ngày không có sự tôn trọng các quyền này từ trong gia đình, trường học, truyền thông thì mọi người cũng dễ có thói quen xâm phạm quyền riêng tư của người khác, dù là vô tình hay cố ý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới