Chuyện đã xảy ra với một cô người mẫu xinh đẹp 23 tuổi phải nhập viện vào Chicago’s Northestern Memorial Hospital tháng 6-2013 sau khi say xỉn vì tiêu thụ chất cồn quá mức cho phép. Bác sĩ cấp cứu cho cô đã tự tay bấm máy các bức ảnh rất “thời sự” của bệnh nhân này trong tư thế quần áo xộc xệch và thể trạng tiều tụy, vẻ mặt đầy lo lắng. Ít lâu sau ca cấp cứu đó, vị bác sĩ kia đã bị buộc tội vì đã tung những bức ảnh chụp này lên Facebook và Instagram.
Một “tai nạn” tương tự cũng đã xảy ra vào tháng 8-2013, khi một nhân viên trong BV Spectrum Health tại Grand Rapids, bang Michigan đã chụp ảnh một bệnh nhân nữ trẻ có khuôn mặt rất khả ái trong phòng cấp cứu rồi đăng lên Facebook kèm theo lời bình rất… khả ố: “Tôi thích lắm, thích lắm!”.
Tại Mỹ, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đã không ngần ngại chia sẻ các hình ảnh và thông tin nhạy cảm của bệnh nhân trên mạng xã hội.
Thật vậy, theo kết quả một thăm dò được đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vào tháng 3-2012, khoảng 30% bệnh viện tại Mỹ đã phải giải quyết các khiếu kiện vì vi phạm đời sống riêng tư qua Internet từ các bằng chứng mà cuộc thăm dò này gọi là những phơi bày độc hại trên Internet. Một nghiên cứu của QuantiaMD đã chỉ ra rằng 13% các bác sĩ thừa nhận họ đã từng sử dụng các mạng xã hội để trao đổi với đồng nghiệp về các ca điều trị bệnh đặc thù trên bệnh nhân. Mặc dù tên tuổi của bệnh nhân được giữ kín nhưng các thông tin chi tiết được cung cấp và chia sẻ trên mạng xã hội cũng đủ để xác định các bệnh nhân đó là ai, kèm theo các lời bình phẩm đôi khi khiến bệnh nhân không đồng ý và dẫn đến kiện tụng.
Theo Federation of State Medical Boards (FSMB), một bệnh nhân đã nổi cáu sau khi đọc được một blog trong đó một bác sĩ đã đay nghiến một bệnh nhân khác là ngu dốt và lười biếng khi người này không đi kiểm tra đường huyết thường xuyên. Đây chính là ví dụ tiêu biểu mà FSMB gọi là “ảnh hưởng tiêu cực từ các mạng xã hội đến quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân và cả niềm tin của công chúng”.
Một bác sĩ sản khoa tại bang Missouri đã gây sốc cho nhiều bệnh nhân khi phê phán gay gắt một sản phụ trễ hẹn: “Tôi có một bệnh nhân nữ luôn quên đi khám thai khi đến ngày hẹn hoặc cô ta đến trễ (có khi đi siêu âm trễ nhiều tiếng đồng hồ)”, rồi sau đó: “Giờ thì cô ấy lại trễ ba tiếng đồng hồ nữa. Vậy sắp tới cô ấy sinh thì tôi cũng có quyền đến trễ cũng chừng ấy phút cũng được chứ?”. Thế nhưng các đồng nghiệp của ông ấy tại St. John’s Mercy Medical Center đã ủng hộ ông ấy.
Khi những sự việc đầu tiên như trên mới xảy ra, nhiều bệnh viện đã không có được quy chế pháp lý hữu hiệu nào để quản lý các nội dung được phát tán trên. Tại BV ĐH Stony Brook ở Long Island, ban quản lý đã nhanh chóng soạn thảo một quy chế áp đặt sau khi vào tháng 1-2010, một sinh viên y khoa thực tập tại đây đã “vui tay” tung ảnh mình đang đứng làm dáng bên cạnh một thi thể xác ướp để sinh viên thực tập trong phòng thực hành giải phẫu học dù biết rằng luật liên bang Mỹ về bảo vệ đời tư công dân cũng được mở rộng cho người đã chết.
Tuy nhiên, khi được sử dụng đúng mục đích, các trang mạng xã hội tỏ ra rất có ích trong rất nhiều trường hợp phục vụ bệnh nhân, đơn cử là trường hợp vụ tấn công khủng bố trên đường chạy marathon tại Boston: Các bác sĩ có mặt gần đích khi đó đã nhanh chóng dùng trang mạng xã hội thông tin về vụ tấn công đến các đơn vị cấp cứu trong vùng, nhanh hơn thông báo chính thức từ chính quyền đến sáu phút, do đó các đơn vị cấp cứu đã có thêm thời gian cần thiết để chuẩn bị cứu chữa các nạn nhân.
Hiệp hội Các điều dưỡng Hoa Kỳ, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nghiệp đoàn khác tại Mỹ đã kiến nghị xây dựng các chuẩn cho việc sử dụng các mạng xã hội tại nơi làm việc, ví dụ như “Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đưa tin” hay “Hãy ý thức rằng mọi thông tin được đăng tải lên mạng xã hội có thể được lan truyền (một cách có chủ ý hoặc không) đến một đối tượng công chúng rộng rãi hơn rất nhiều”.
TƯỜNG NGUYỄN (Theo Slate)