Qua kiểm tra, bác sĩ xác định trên cơ thể bệnh nhi có khoảng 60 vết chích, tình trạng nhiễm độc đe dọa trực tiếp đến sinh mạng.
Ngày 3/6, khoa Cấp cứu - Hồi sức, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết tại đây đang cứu chữa cho trường hợp bệnh nhi L.G.B. (10 tuổi, ngụ tại Cà Mau). Qua điều tra bệnh sử ghi nhận, trước đó bé B. đang chơi trong vườn nhà thì bị bầy ong vò vẽ làm tổ trên cây lao xuống đốt. Nghe tiếng kêu thất thanh của bé, người nhà lao ra ứng cứu thì cũng bị bầy ong tấn công.
Được đưa tới bệnh viện địa phương cấp cứu, nhưng B. vẫn rơi vào tình trạng sốt cao, sốc do đau và nhiễm độc nên buộc phải chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, qua thăm khám bác sĩ ghi nhận bệnh nhi trong tình trạng lơ mơ, khó thở, tím tái, vàng da, vàng mắt, tiểu ra máu. Kiểm tra trên cơ thể bệnh nhân bác sĩ phát hiện khoảng 60 vết ong đốt ở đầu cổ, tay, lưng gây sưng phù.
Qua kết quả xét nghiệm cấp cứu cho thấy bệnh nhi bị tổn thương phổi nặng, suy gan, suy thận rối loạn đông máu... Cháu được nhanh chóng cho thở ôxy và tiến hành lọc máu liên tục để loại bỏ độc tố trong cơ thể. Sau 48 giờ cấp cứu, hồi sức tích cực hiện bệnh nhi đã qua được cơn nguy kịch.
Bác sĩ cảnh báo, mùa hè là thời điểm tai nạn thương tích như: Ong đốt, rắn cắn, đuối nước, chấn thương do té ngã… ởbởi suốt 3 tháng hè trẻ sẽ nghỉ học ở trường, mọi sinh hoạt, vui chơi tập trung tại gia đình. Để hạn chế tai nạn xảy đến với trẻ, phụ huynh cần thương xuyên để mắt đến con em mình, loại bỏ các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ như phá bỏ tổ ong trong vườn nhà, phát quang bụi rậm để rắn rết không còn chỗ cư trú, chủ động dạy bơi cho trẻ để hạn chế tai nạn đuối nước…